Anh là người còn sống sau ca phẫu thuật tách dính nổi tiếng năm 1988 - một dấu mốc khó quên, được xem như phép màu của y học Việt Nam.
Anh Nguyễn Đức hẹn gặp chúng tôi ở nhà riêng cho cuộc trò chuyện trước ngày bộ phim Dearest Viet (Dành cho Việt) chính thức ra rạp. Thời gian gần đây, anh khá bận với nhiều hoạt động cùng các đối tác nên cảm thấy hơi mệt khi phải di chuyển liên tục. Nguyễn Đức hào hứng và hạnh phúc khi biết bộ phim Dearest Viet được đến với khán giả Việt Nam. Trước đó, phim từng được giới thiệu trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ Nhất, năm 2024. Sau gần 40 năm, câu chuyện về cặp song sinh dính liền Việt - Đức có thể phần nào đã mờ phai trong dòng chảy hối hả của biết bao sự kiện, nhưng khi một lần nữa được kể lại với rất nhiều tâm huyết của đạo diễn Kohei Kawabata và nhà sản xuất Yoshie Ruth Linton (thường gọi là Ruth), phim mang đến rất nhiều cảm xúc cho khán giả.
Bộ phim "Dearest Viet" được giới thiệu trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ Nhất, năm 2024 (Ảnh: HIFF)
Với Nguyễn Đức, bộ phim tài liệu không kịch bản ấy cũng là cách tự nhiên nhất anh kể về mình, về những điều không hẳn ai cũng biết và là cách anh kể với người anh đã khuất - Nguyễn Việt - rằng, Đức đã và đang sống một cách trọn vẹn nhất, thiết tha nhất với món quà màu nhiệm mà cuộc đời trao tặng, mà anh trai đã hy sinh, nhường lại cho mình.
Nguyễn Việt và Nguyễn Đức sinh ngày 25/2/1981 tại Sa Thầy, Kon Tum, bị nhiễm chất độc da cam và bị bỏ lại ở trạm xá. Từ khoảnh khắc có mặt trên cuộc đời, họ đã gắn bó với nhau theo cách khác thường, dính liền nửa dưới cơ thể, cùng chung phần bụng chậu, chung nhiều cơ quan trong cơ thể, có hai chân và một chân cụt. Việt - Đức được đưa tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) điều trị, đến đầu tháng 12/1982, họ được chuyển vào chăm sóc ở Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Khi sức khỏe của Nguyễn Việt diễn biến xấu, có nguy cơ khiến cả hai cùng nguy hiểm tính mạng, một quyết định lịch sử đã được các y bác sĩ đưa ra vào thời điểm năm 1988: Tách rời cặp sinh đôi Việt - Đức. Đó là ca mổ tách trẻ dính liền thành công đầu tiên tại Việt Nam và là ca thứ 7 trên thế giới lúc bấy giờ. Ca mổ ghi dấu ấn lớn trong lịch sử y học Việt Nam, xuất hiện trong sách kỷ lục Guinness. Sau ca mổ, anh Nguyễn Việt tiên lượng bình phục thấp vì bị bại não và qua đời vào năm 2007.
Gần 40 năm sau ca mổ tái sinh ấy, Nguyễn Đức nói rằng, do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam, trí nhớ giảm sút nhiều, nhưng những cảm xúc, sự biết ơn với các y bác sĩ vẫn nguyên vẹn. Anh không có mẹ cha nên các bác sĩ Việt Nam và cả Nhật Bản ngày đó như những người thân nhất trong gia đình, là ông, là cha, là má nuôi. “Nếu không có má Phượng (bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - PV) ngày ấy đích thân đưa anh em tôi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh thì có lẽ đã không có Nguyễn Đức bây giờ”. Anh bảo rằng, ân nghĩa ấy, lời cảm ơn không thể nói hết mà chỉ biết đền đáp bằng việc luôn nhắc mình phải sống thật tốt, thật toàn vẹn, cống hiến lại cho cuộc đời. Nguyễn Đức tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, gặp gỡ, truyền cảm hứng cho những người mang chất độc da cam, người khuyết tật bởi anh biết mình vẫn còn may mắn lắm. Anh hy vọng ý chí, nghị lực của mình sẽ tiếp thêm sức mạnh để những người vẫn còn nép trong bóng tối với nhiều mặc cảm, tự ti, đau khổ sẽ vững vàng hơn trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Đức trong bộ phim tài liệu Dearest Viet (Ảnh: NVCC)
Nguyễn Đức nhận được phép màu từ y học, từ tình yêu thương trong cuộc đời nhưng bản thân anh cũng cố gắng mỗi ngày để tự viết nên câu chuyện cổ tích của chính mình bằng nghị lực phi thường, sự hiếu học, bằng tình yêu với thể thao, âm nhạc… Nguyễn Đức làm quen với tiếng Nhật lần đầu tiên khi 9 tuổi, trên giường bệnh ở Kobe, Nhật Bản. Không được học bài bản qua trường lớp nhưng giờ đây, Nguyễn Đức thành thạo ngôn ngữ của đất nước có ảnh hưởng và vị trí rất quan trọng trong trái tim và trong hành trình sống của anh. Bộ phim Dearest Viet, với ekip là những người Nhật Bản, cũng được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Phim mang đến sự chia sẻ, đồng cảm và cả ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế đối với một minh chứng cho phép màu của y học Việt Nam; đồng thời gửi gắm thông điệp về hòa bình, về sự hàn gắn, xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Nguyễn Đức giờ đã 45 tuổi. Thân thể không lành lặn, nhiều vấn đề về sức khỏe vẫn khiến anh đau đớn nhưng anh vẫn ngày ngày miệt mài với những hoạt động đời thường như đưa đón con đi học, vẫn say mê đảm nhận và thực hiện sứ mệnh là một đại sứ, cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, tích cực tham gia các hoạt động kết nối du lịch, văn hóa của hai quốc gia...
Anh Nguyễn Đức trong cuộc phỏng vấn (Ảnh: Hải Minh)
Trong cuộc trò chuyện, Nguyễn Đức có lúc lau nước mắt. Hẳn đã rất nhiều lần anh khóc khi câu chuyện đề cập đến người anh Nguyễn Việt, về hành trình đã qua, về những áp lực, định kiến phải đối diện. Dù là người đặc biệt, là người nổi tiếng theo góc độ nào đó nhưng Nguyễn Đức bảo rằng, anh luôn muốn tự hào nói với các con rằng, mình có thể làm được mọi việc, mang đến cho con hạnh phúc như bao người bố bình thường khác.
Nguyễn Đức là người thiếu may mắn lúc sinh ra nhưng lại nhận được món quà màu nhiệm và anh tự nhủ phải luôn sống xứng đáng, biết cách trao đi những điều đẹp đẽ, ý nghĩa khác để giá trị tốt đẹp, nhân văn luôn lan tỏa, để niềm tin, sự lạc quan, tình yêu thương vẫn luôn lấp lánh, tỏa sáng giữa cuộc đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!