Nhiều người thích thú khi có dịp tham quan bảo tàng Đại học Hàng không và vũ trụ Bắc Kinh.(Ảnh: Xinhuanet)
Là một phần quan trọng trong hệ thống bảo tàng quốc gia, những bảo tàng trong trường đại học đang tìm cách cân bằng giữa chiều sâu học thuật với sức hấp dẫn đại chúng.
Diện tích nhỏ, giá trị lớn
Dù thường có quy mô khiêm tốn hơn nhiều so với các bảo tàng công cộng cấp quốc gia, sức hấp dẫn của bảo tàng đại học lại không hề nhỏ. Câu chuyện về Bảo tàng Vũ khí thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh là một minh chứng. Với bộ sưu tập vũ khí độc đáo, nơi đây thu hút hàng trăm ngàn lượt xem trực tuyến và hơn 50.000 khách tham quan chỉ trong 122 ngày mở cửa. Khách tham quan chủ yếu là các gia đình, nhiều phụ huynh bày tỏ sự kinh ngạc trước các hiện vật hiếm thấy như pháo diệt tăng, xe pháo,…
Thay vì phổ biến kiến thức chung, bảo tàng đại học mang đến những tri thức chuyên ngành, gắn liền với thế mạnh đào tạo và nghiên cứu của từng trường. Mỗi bảo tàng là một chuyên môn riêng: từ khảo cổ học tại Đại học Sơn Đông với các hiện vật tự khai quật, thức ăn chăn nuôi tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, đến bánh lái tàu Trịnh Hòa tại Học viện Hàng hải Giang Tô hay lịch sử tiền tệ ở Đại học Kiểm toán Nam Kinh...
Học sinh tham quan Bảo tàng Vũ khí (Ảnh: Bảo tàng Vũ khí - Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh)
Ngay cả những hiện vật tưởng chừng đơn giản cũng ẩn chứa giá trị học thuật lớn. Chiếc "ván sắt" thời Hán tại Bảo tàng Văn minh Nông nghiệp Trung Hoa (Đại học Nông nghiệp Nam Kinh) ban đầu dễ bị nhầm là chảo rán, nhưng thực chất là dụng cụ làm bánh sơ khai, minh chứng cho sự phát triển luyện kim và ẩm thực.
Sức sống của các bảo tàng này còn đến từ các hoạt động tiếp cận công chúng đầy sáng tạo. Sự kiện đêm tại Bảo tàng Học viện Mỹ thuật Trung ương với sinh viên mặc Hán phục giữa không gian nhạc cổ điển đã tạo nên tiếng vang lớn. Hay như Bảo tàng Tự nhiên Thành Đô (Đại học Công nghệ Thành Đô), một bảo tàng địa chất hợp tác giữa thành phố và nhà trường, không chỉ đón khách tại chỗ mà còn tích cực mang khoa học đến trường học, tổ chức 50 buổi nói chuyện chuyên đề, thu hút hàng ngàn học sinh trong năm 2024.
Kết nối tri thức, lan tỏa văn hóa
Triển lãm Nghệ thuật Châu Phi tại Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Thanh Hoa, thu hút hơn 100.000 lượt khách. Những hiện vật trưng bày được đánh giá rất cao qua quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng và nền tảng nghiên cứu học thuật của trường này. Phương châm "Biến đổi để kế thừa, dung nạp để sáng tạo" của bảo tàng này cũng khẳng định rõ vai trò kép: phục vụ đào tạo, nghiên cứu và lan tỏa văn hóa ra cộng đồng, hợp tác quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở nghệ thuật, các bảo tàng còn là nơi lưu giữ và phổ biến tri thức chuyên ngành độc đáo. Bảo tàng Dấu vân tay Nam Kinh (Học viện Cảnh sát Giang Tô), hé lộ nhiều dấu tích về hành trình phát triển của khoa học hình sự. Tương tự, Bảo tàng Y học Cổ truyền tỉnh Giang Tô (Đại học Y Dược cổ truyền Nam Kinh) ứng dụng công nghệ hiện đại, biến mô hình châm cứu thành hệ thống tra cứu 3D trực quan, giúp công chúng hiểu sâu hơn về y học cổ truyền.
Tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, các triển lãm trở thành "giáo trình sống", tích hợp kiến thức liên ngành và mở cửa cho công chúng. Bà Lý Trinh Thực, Giám đốc bảo tàng, cho biết: "Đây không chỉ là không gian lưu trữ và trưng bày kiến thức, mà còn phải trở thành một không gian đối thoại liên ngành, đa chủ thể tương tác".
Bảo tàng Truyền thông của Đại học Truyền thông Trung Quốc. (Ảnh: Xinhuanet)
Đổi mới để lan tỏa tri thức
Để tối đa hóa khả năng tiếp cận, các bảo tàng đại học đang tích cực chuyển đổi số. Buổi phát trực tiếp khám phá Nhà trưng bày Mẫu cây gỗ Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh đã thu hút 2,7 triệu lượt xem, cho thấy tiềm năng của hình thức "tham quan ảo".
Theo giáo sư Thi Quang Hải (Đại học Địa chất Trung Quốc), tính chuyên nghiệp, đặc sắc và học thuật là lợi thế cốt lõi. Tuy nhiên "diện tích trưng bày của phần lớn các bảo tàng này đều chưa đến 3.000 m2, một số nơi thậm chí chỉ là một không gian nhỏ trong một tòa nhà. Việc trưng bày các bộ sưu tập còn hạn chế, khả năng tiếp đón cũng còn nhiều bất cập" - ông nhận xét.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!