Rất nhiều "chuyên gia" xuất hiện trên mạng xã hội để đưa đến các phương pháp giảm cân, thải độc được quảng cáo là diệu kỳ, có thể mang lại kết quả kinh ngạc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hướng dẫn không hề dựa trên cơ sở khoa học, phi thực tế, gây áp lực lớn cho người muốn giảm cân và mang lại tác dụng tiêu cực cho sức khỏe tổng thể. Hãy thử nhận diện một số trào lưu nên cân nhắc loại bỏ.
1. Tính toán, kiểm soát lượng calo quá nghiêm ngặt
Để giảm cân thì giảm lượng calo nạp vào cơ thể là điều cần thiết. Từ đây có nhiều phương pháp được giới thiệu dựa trên việc tính lượng calo một cách chi tiết cho từng bữa ăn để đạt được các mục tiêu rất cụ thể trong mỗi ngày. Chuyên gia dinh dưỡng Jamie Nadeau cho rằng, nhiều người cố gắng theo đuổi mức calo thấp đến mức không thực tế, không đảm bảo đủ nhu cầu cho cơ thể, gây nguy hiểm cho quá trình trao đổi chất và duy trì năng lượng cho hoạt động bình thường.
Tính toán quá nghiêm ngặt lượng calo gây áp lực cho việc ăn uống (Ảnh: Getty Images)
Jamie Nadeau cho biết: “Điều này dẫn đến tình trạng ăn không đủ, sau đó chuyển thành ăn uống vô độ, cảm thấy mất kiểm soát với đồ ăn”.
Tính lượng calo quá nghiêm ngặt gây áp lực cho việc ăn uống, tạo nên nỗi ám ảnh không lành mạnh đối với đồ ăn.
2. Chế độ ăn 1.200 calo
Đây là một trong những cách thức giảm cân được nhiều người ưa chuộng và tích cực giới thiệu vì giúp hạn chế việc tích lũy chất béo dư thừa, ngăn ngừa béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch... Thực tế thì "lượng năng lượng thấp này đơn giản là không đủ cho một người lớn mà chỉ gần bằng lượng calo cần thiết cho một đứa trẻ mới tập đi" - Anastasia Gialouris, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết. Về lâu dài, duy trì lượng calo thấp như vậy có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Khi cơ thể chúng ta không được cung cấp đủ thức ăn, chúng sẽ chuyển sang 'chế độ đói' và giữ lại mỡ trong cơ thể.
Nhiều ý kiến trái chiều về chế độ ăn 1.200 calo (Ảnh: Adobe)
Một hậu quả khác của chế độ ăn 1.200 calo là bạn có nhiều khả năng tăng lại bất kỳ số cân nào đã giảm và thậm chí có thể tăng cân nhiều hơn so với khi bạn bắt đầu chế độ ăn kiêng. Quá trình trao đổi chất chậm lại, điều này không chỉ khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa, mức năng lượng và một số chức năng khác của cơ thể, Anastasia Gialouris cho biết.
Vậy nên ăn bao nhiêu calo? Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người Mỹ 2020-2025, phụ nữ trưởng thành cần khoảng 1.600 đến 2.000 calo mỗi ngày, trong khi nam giới trưởng thành cần 2.000 đến 2.400 calo, tùy thuộc vào mức độ hoạt động của họ, cộng với các yếu tố khác.
3. Sử dụng thuốc lợi tiểu và nhuận tràng
Thuốc lợi tiểu và thuốc nhuận tràng có thể tạm thời làm giảm cân bằng cách loại bỏ nước khỏi cơ thể. Chính vì thế nếu lạm dụng sẽ mang đến nhiều tác hại cho cơ thể như: mất nước, mất cân bằng điện giải, thiếu hụt vitamin, gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Nói chung, trừ khi có lý do chính đáng và được chỉ định về mặt y tế, sử dụng thuốc lợi tiểu và nhuận tràng là cách giảm cân nên được loại bỏ vì tác dụng chỉ tạm thời trong khi tác hại lại có thể lâu dài.
4. Chỉ ăn một loại thực phẩm nhất định
Dù thực phẩm đó có bổ dưỡng đến mấy thì cũng không thể đáp ứng hết các nhu cầu của cơ thể và không thể bằng chế độ ăn đa dạng, lành mạnh.
Ăn đa dạng, cân bằng, ưu tiên các thực phẩm lành mạnh như chế độ ăn Địa Trung Hải được chứng minh là mang lại hiệu quả bền vững cho việc giảm cân, kéo dài tuổi thọ (Ảnh: Shutterstock)
Nhiều chế độ ăn kiêng đòi hỏi phải hạn chế hoặc loại bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm; ví dụ, chế độ ăn keto, là chế độ ăn rất ít hoặc không có carbohydrate. Tuy nhiên, khi bạn loại bỏ toàn bộ một nhóm thực phẩm, bạn sẽ tăng nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng. Hơn nữa càng tự hạn chế món ăn gì đó, bạn càng dễ có cảm giác thèm và một lúc nào đó sẽ "xé rào".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!