Sự kiện hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thu Trang)
Mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) hay mô hình kinh tế tuần hoàn (hướng đến việc sử dụng tài nguyên theo cách bền vững bằng việc tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời sản phẩm) đang được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nỗ lực thực hiện.
Tắt và tiết kiệm điện hôm nay để bật sáng cho tương lai
Giờ Trái đất (Earth Hour), hay sáng kiến "Một giờ Tắt đèn" là chiến dịch môi trường toàn cầu do Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) tổ chức. Mục tiêu chính là khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp và các địa danh trên toàn thế giới tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ. Hành động này nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Hiện nay, Giờ Trái đất đang được xem là phong trào bảo vệ môi trường lớn nhất thế giới, với sự tham gia từ hơn 190 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có hơn 18.000 địa danh mang tính biểu tượng trên toàn thế giới. Giờ Trái đất bắt đầu vào năm 2007 tại Sydney, Australia, khi hơn 2.2 triệu người, hơn 2.100 doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị sử dụng điện không cần thiết trong một giờ.
Tắt đèn ở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (Frankfurt, Đức) hưởng ứng Giờ Trái đất 2025 (Ảnh: AP)
Chiến dịch Giờ Trái đất đã tạo ra những chuyển biến rất lớn về nhận thức cũng như hành động của người dân trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ năm 2009, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng thông qua việc khuyến khích các hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh tắt đèn điện cũng như các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1 giờ.
Năm 2025 đánh dấu lần thứ 17 Việt Nam tham gia hưởng ứng chiến dịch này. Qua 17 năm tổ chức, Giờ Trái đất tại Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của các tỉnh, thành phố cùng đông đảo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên toàn quốc. Qua đó cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cộng động đối với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo số liệu thống kê về mức tiêu thụ điện toàn quốc của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2025 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 22/3/2025), cả nước đã tiết kiệm được lượng điện năng là 448.000kWh, tương đương khoảng 942,2 triệu đồng.
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia hưởng ứng chương trình Giờ Trái đất năm 2025 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Thu Trang)
Mô hình tái chế từ Phần Lan
Phần Lan không chỉ nhiều lần được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mà còn được biết đến là một trong những nơi phát triển bền vững, thân thiện với môi trường nhờ loạt sáng kiến bảo vệ môi trường rất hữu ích và đem lại tác dụng to lớn.
Theo trang This Is Finland, ở quốc gia Bắc Âu này, từ nhiều năm nay, việc thu gom để tái chế chai lọ sau khi sử dụng đã hết sức phổ biến, trở thành thói quen thường ngày của hàng triệu người dân. Người dân Phần Lan trả lại hơn 2 tỷ chai lọ và hộp trong năm 2020, bằng 93% tổng số bán ra tại Phần Lan. Các yếu tố làm nên điều này bao gồm các máy tự động hoàn trả chai được phát triển từ cách đây nhiều thập kỷ và ngày càng được mở rộng, nâng cao tính tiện lợi.
Thu gom, tái chế nhựa rất được quan tâm tại Phần Lan (Ảnh: Shutterstock)
Máy thu hồi chai lọ đã qua sử dụng phổ biến ở Phần lan (Ảnh: Helsinki Times)
Trên khắp Phần Lan, lon được trả lại với tốc độ trung bình là 44 lon/giây, chai nhựa là 17 chai/giây và chai thủy tinh với tốc độ 4 chai/giây. Tỷ lệ hoàn trả vào năm 2020 là 94% đối với lon nhôm (trong số 1,4 tỷ lo đã được bán ra), 92% đối với chai nhựa (trong số 530 triệu) và 87% đối với chai thủy tinh (trong số 133 triệu). Tái chế bao bì đồ uống có thể tiết kiệm một lượng đáng kể năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Năm 2022, ở Phần Lan 19.800 tấn nhôm, 16.800 tấn nhựa và 52.300 tấn thủy tinh đã được trả lại hệ thống, có thể được tái sử dụng để làm bao bì mới.
Trẻ em Phần Lan được giáo dục về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững từ khi còn nhỏ (Ảnh: Stuar Conway)
Theo Time, năm 2016, Phần Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng lộ trình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn (mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng tài nguyên theo cách bền vững bằng việc tái sử dụng, tái chế và kéo dài vòng đời sản phẩm). Đất nước 5,5 triệu dân này cũng đã tập trung chặt chẽ vào giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ suy nghĩ về nền kinh tế theo cách khác với thế hệ ông bà, cha mẹ. Nani Pajunen, một chuyên gia về tính bền vững tại Phần Lan, cho biết: "Mọi người nghĩ rằng đó chỉ là tái chế. Nhưng thực ra, đó là về việc suy nghĩ lại mọi thứ: sản phẩm, phát triển vật liệu, cách chúng ta tiêu dùng". Pajunen lập luận rằng, để tạo ra những thay đổi ở mọi cấp độ của xã hội thì giáo dục là chìa khóa - giúp mọi người dân Phần Lan hiểu được nhu cầu về một nền kinh tế tuần hoàn và cách họ có thể trở thành một phần của nó. Việc nghiên cứu nền kinh tế tuần hoàn được bắt đầu ngay từ những đứa trẻ nhỏ nhất với các bài tập hết sức đơn giản thường ngày, hình thành ý thức tự nhiên và ngày càng được trang bị bài bản hơn, sâu sắc hơn qua từng cấp độ của nền giáo dục được coi là tốt nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!