Đây là một hoạt động giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong ngày tiễn Ông Công Ông Táo về trời.
Kết hợp hoạt động bảo vệ môi trường với bảo tồn văn hoá
Trong suốt 12 năm vừa qua, đều đặn vào các ngày 22 và 23 tháng Chạp, hình ảnh những bạn trẻ đứng dọc cây cầu Long Biên với biển hiệu mang thông điệp "Thả cá - Đừng thả túi nilon" đã trở nên quen thuộc với bất cứ ai đi qua. Đó chính là các thành viên của chương trình tình nguyện được mang tên "Đường Táo Quân".
Thông điệp quen thuộc vào những ngày sát Tết trên cầu Long Biên
"Đường Táo Quân" bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Ban đầu, đây chỉ là một nhóm tình nguyện viên nhỏ với những học sinh, sinh viên, người lao động… cùng chung một mối quan tâm, đó là bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Đến nay, trải qua 12 năm tổ chức, "Đường Táo Quân" đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những hoạt động tình nguyện lớn, đóng góp sức lực vào hành trình phát triển bền vững của dân tộc.
Với thông điệp "Thả cá - Đừng thả túi nilon", các thành viên của "Đường Táo Quân" mong muốn, ngoài việc thực hiện nghi lễ tiễn Ông Công Ông Táo về trời theo đúng phong tục tập quán, người dân có thể hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước vì rác thải nhựa. Anh Nguyễn Nhật Anh (Đại diện Nhóm Cá Chép - BTC chương trình) cho biết: "Chúng tôi mong muốn có thể hỗ trợ người dân thả cá chép an toàn và đúng cách; giảm thiểu rác thải nhựa, đồ thờ cúng bị thải trực tiếp xuống dòng chảy sông Hồng; tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung về các vấn đề môi trường và văn hóa – lịch sử, hướng tới cộng đồng phát triển bền vững".
Tuy nhiên, việc thực hiện không phải là chuyện dễ dàng: "Mỗi năm, chúng tôi lại đối mặt với các khó khăn khác nhau, nhưng đáng kể nhất là hạn chế về sức người. Chúng tôi nhận thức được rằng, để tạo ra một sự thay đổi đáng kể, hoạt động này cần được nhân rộng hơn, nhưng hạn chế trong nhân lực không cho phép chúng tôi làm điều đó. Chúng tôi luôn canh cánh rằng, trong ngày 22 và 23 tháng Chạp, nếu chỉ hoạt động từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, vậy những khoảng thời gian khác trong ngày, sứ mệnh này do ai tiếp quản; nếu chỉ dừng lại ở cây cầu Long Biên, vậy còn ở những sông, hồ khác, công việc này sẽ do ai làm. Với những suy nghĩ đó, chúng tôi đã không ngừng cải thiện chương trình, liên tục đổi mới để đáp ứng được nhiều hơn nữa nhu cầu của người dân".
Hiện thực hóa mục tiêu bằng những hành động cụ thể
Để có được 2 ngày hoạt động suôn sẻ trên cầu Long Biên, các thành viên của "Đường Táo Quân" đã dành ra hơn 6 tháng để chuẩn bị, từ kiện toàn thành viên cho đến đào tạo nhân sự, thực hiện tiền sự kiện và chuẩn bị, tiền trạm,… "Đường Táo Quân" đã hiện thực hóa mục tiêu giảm thiểu tình trạng người dân xả rác thải nhựa khi thả cá bằng những hành động cụ thể.
Các tình nguyện viên được chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất sẽ đứng dọc hai bên cầu Long Biên giúp người dân thả cá bằng hệ thống xô và ròng rọc. Nhóm thứ hai sẽ đứng bên dưới bờ gần mặt sông, giúp người dân thả tro, tránh tình trạng tro bụi do thả từ độ cao trên cầu.
Các tình nguyện viên của "Đường Táo Quân" sẵn sàng hỗ trợ người dân thả cá trên cầu Long Biên
Anh Nguyễn Nhật Anh cho biết: "Với mỗi người dân đến thả cá, nếu có túi nilon, nhựa dùng một lần, chúng tôi sẽ xin lại, sau đó tập hợp và di chuyển đến nơi tập kết để xử lý. Chúng tôi cũng đặt ra một số tiêu chí để đo lường kết quả của hoạt động. Đó là tỉ lệ người dân hợp tác với chúng tôi trong quá trình thực hiện, số túi nilon đã được thu gom và xử lý đúng cách, đúng nơi, số tình nguyện viên đã hưởng ứng, số lượt tiếp cận trên mạng xã hội,...
Tính đến hết mùa 11 (tức hết sự kiện năm Giáp Thìn), trên hành trình hơn một thập kỷ của mình, "Đường Táo Quân" đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành từ hơn hai nghìn tình nguyện viên tham gia, hàng triệu túi nilon đã được xử lý đúng nơi, đúng cách, hơn ba triệu chú cá chép đã tiễn ông Công, ông Táo về trời an toàn. Đây chính là những kết quả đáng tự hào, cho thấy sự thành công của một hoạt động tình nguyện do các bạn trẻ cùng nhau tổ chức.
"Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước đi"
Để tiến tới giải quyết triệt để vấn đề về rác thải nhựa trong các hoạt động văn hóa sẽ còn là một hành trình dài. Nhưng những hoạt động tình nguyện như "Đường Táo Quân" đang góp sức không nhỏ trong mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước đây cũng đã có không ít tranh cãi từng xảy ra xung quanh những hoạt động tình nguyện vì môi trường. Có người cho rằng, đây là vấn đề chung của toàn xã hội, cần có những người có sức ảnh hưởng tham gia mới có thể giải quyết, thay vì chỉ dựa vào những bạn trẻ làm việc theo từng nhóm đơn lẻ. Thế nhưng, những thành viên của "Đường Táo Quân" không nghĩ vậy. Với họ, dẫu công việc ấy có thầm lặng, đóng góp có nhỏ bé thì chúng vẫn mang lại giá trị cho xã hội, vẫn rất hữu ích và cần thiết.
Các tình nguyện viên vẫn đồng hành cùng "Đường Táo Quân" suốt hơn một thập kỷ, với những hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn
"Với tâm thế ấy, tôi tin rằng, chúng tôi là những cá nhân nhỏ bé nhưng là mồi lửa để khơi dậy, là bàn đạp cho những sự thay đổi lớn. Chúng tôi rất mong có thể nhân rộng mô hình này, với độ phủ rộng hơn, nhiều tình nguyện viên cùng tham gia hơn." - Anh Nguyễn Nhật Anh bày tỏ.
Một vài hình ảnh:
Các bạn trẻ có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho công việc tình nguyện
Dù thời tiết lạnh, các tình nguyện viên vẫn luôn cố gắng hết mình giúp "dọn đường" cho cá bay về trời
Những chiếc xô như thế này góp phần thả cá một cách an toàn và bảo vệ môi trường hơn
Hệ thống ròng rọc đưa xô cá xuống gần mặt nước nhất có thể
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!