Nằm trên nhánh chính của dòng sông Cửu Long, hai nhánh sông Tiền và Hậu mỗi năm mang đến hàng triệu mét khối phù sa màu mỡ, làm giàu cho vùng đồng bằng miền Nam. Phù sa này không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho đồng lúa và vườn cây, mà còn tạo thành những mỏ sét nguyên sinh quý giá.
Với nguyên liệu từ những mỏ sét này, người thợ tại làng gốm Vĩnh Long Mang Thít có thể tạo ra các sản phẩm gạch nung và đồ gốm. Những tảng đất thô sơ được chế tác bởi bàn tay tài năng của họ trở thành những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng.
Mang Thít từng được mệnh danh là vương quốc lò gạch với hàng ngàn miệng lò vào thời kỳ hoàng kim giữa thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Nhưng sau đó, làng nghề dần suy giảm do chi phí sản xuất tăng cao và nhu cầu thị trường thay đổi. Tận dụng nét đặc trưng riêng, và nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu người mua, làng gốm đỏ đang dần hồi sinh.
Làng gạch gốm Mang Thít trải dài khoảng 30km dọc theo dòng chảy của sông Cổ Chiên. Với tuổi đời hơn một thế kỷ, đây là nơi sản xuất gạch, ngói đỏ nổi tiếng. Màu đỏ của gạch ngói Mang Thít đã làm nên sự đặc trưng cho một làng nghề từng hưng thịnh bậc nhất vào giữa thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
Ngày nay, ngoài sản phẩm gạch, lu truyền thống, các loại chậu gốm nhiều hình dáng, gốm trang trí cũng được ra đời, đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ khách tham quan mua quà lưu niệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!