Nằm ẩn mình trong lòng dãy núi Tam Điệp, cách Hà Nội 120km về phía Nam, Cúc Phương được biết đến là một trong những vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam và là ngôi nhà thứ hai của nhiều loài động vật hoang dã. Tại đây, các cá thể động vật hoang dã từng bị săn bắn, nuôi nhốt trái phép đang được chăm sóc, huấn luyện để tìm lại tự do giữa đại ngàn.
Bắt đầu từ việc giải cứu 2 cá thể Voọc mông trắng và Voọc Hà Tĩnh tịch thu được, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp (EPRC) được thành lập từ năm 1994 với mục tiêu cứu hộ, tái thả động vật trở về tự nhiên. Trên 160 cá thể thuộc 15 loài và phân loài sinh trưởng đã được giải cứu thành công và đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm.
Những cá thể từng bị tước đoạt tự do giờ đây được trao cơ hội về nhà. Cuộc sống mới trong lòng rừng già là sự hòa quyện giữa bản năng hoang dã và sự chăm sóc tận tâm, nhân văn đến từ những người bảo vệ chúng.
Voọc mông trắng - loài linh trưởng đặc hữu và quý hiếm nhất Việt Nam được lựa chọn là biểu tượng của Vườn.
Hầu hết linh trưởng tại Trung tâm đều được đặt tên gắn với câu chuyện của riêng mình. Mừng, Béo, Ronaldo, Mafia, Khoai.. không chỉ là tên gọi mà còn là ký ức về những lần giải cứu, quá trình chăm sóc cùng những nguyện vọng về cuộc sống mới cho các cá thể tại nơi đây.
Từng trải qua giam cầm và stress nặng, Mừng (bên phải) – một cá thể Voọc – nay đã hồi sinh. Với hai bạn đời và hai “em bé” khỏe mạnh, nó đang sống cuộc đời mà thiên nhiên đã định sẵn.
Các cá thể linh trưởng tại Trung tâm Cứu hộ được chăm sóc bởi chính những người dân địa phương – những người am hiểu rừng, hiểu loài từ kinh nghiệm sống gắn bó với thiên nhiên. Đây là nền tảng quan trọng giúp chúng sẵn sàng quay trở lại rừng một cách tự nhiên và bền vững.
Con đường dẫn vào khu vực bán hoang dã. Linh trưởng ở khu vực này có thể tự do chạy nhảy, trèo cây, và tìm thức ăn, là nơi tái hiện cuộc sống hoang dã của chúng trước khi thực sự trở về với tự nhiên.
Dù hành trình “về nhà” là một phép màu đối với nhiều linh trưởng, nhưng không phải tất cả đều có thể quay về rừng. Những cá thể không khôi phục được bản năng sẽ phải ở lại trung tâm. Đây là sự thật khắc nghiệt, nhưng cũng là thực tế buộc phải chấp nhận trong công tác cứu hộ.
Giới hạn lượng khách tham quan và yêu cầu giữ im lặng, đeo khẩu trang, không mang theo đồ ăn, giữ khoảng cách,.. là những quy định nghiêm ngặt mà du khách cần tuân thủ, nhằm bảo vệ không gian sống tự nhiên của linh trưởng và tránh gây ảnh hưởng đến quá trình tái hòa nhập của chúng.
Tình nguyện viên từ nhiều quốc gia tham gia chăm sóc và huấn luyện linh trưởng tại Trung tâm Cứu hộ, góp phần quan trọng trong hành trình tái hòa nhập của các cá thể này. Công việc tuy vất vả, nhưng sự đóng góp của họ làm phong phú thêm nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã tại Cúc Phương.
Giống như con người, linh trưởng cũng có ngôi nhà riêng. Khi được yêu thương và chăm sóc đúng cách, chúng không chỉ hồi sinh mà còn được giải thoát khỏi sự giam cầm, để trở về với cuộc sống hoang dã, tự do trong thiên nhiên – nơi chúng thuộc về.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!