Đối với việc cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, việc phá dỡ tòa nhà Hàm Cá Mập sẽ được thực hiện trước ngày 30/4, tức là còn gần 1 tháng nữa.
Trải qua hàng thế kỷ, Hồ Gươm không chỉ là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, mà còn là không gian mang giá trị biểu tượng về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Trong bối cảnh đô thị phát triển, làm sao để bảo tồn khu vực Hồ Gươm... đúng với vai trò "di sản sống", không bị đóng khung trong quá khứ, nhưng cũng không bị cuốn theo những thay đổi thiếu kiểm soát.
6h sáng ngày nào cũng vậy, quán Café trên phố Đinh Tiên Hoàng của ông Hải mở cửa. Gia đình ông nằm trong 35 hộ dân sẽ phải di dời. Khu vực mặt tiền trên phố Đinh Tiên Hoàng sát hồ - nơi kinh doanh của rất nhiều hộ gia đình. Sinh ra và lớn lên trên khu phố này, 81 năm, ông thuộc từng gốc cây, góc phố, nơi nào cũng là những kỷ niệm.
Ông Tạ Khắc Hải (Phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bùi ngùi: "Mỗi sáng tỉnh dậy thấy tiếng tàu điện leng keng, leng keng. Tôi ngày xưa cũng chuyền tàu giỏi lắm, nhảy tàu từ tàu nọ sang tàu kia. Có nhiều cái không quên được. Cả cuộc đời mình, gắn bó ở đây, sao mình quên được. Chỉ mong sau khi cải tạo xong rồi, hi vọng vẫn còn sống để nhìn lại một lần nữa. Xã hội đi lên, đất nước đi lên, mình phải đồng thuận, cũng muốn thế hệ các con cháu sau này được hưởng Thủ đô khang trang, tầm vóc hơn".
Tòa nhà trung tâm thương mại vẫn được gọi với cái tên tòa nhà "Hàm cá mập", quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục những ngày này trở thành điểm đến đông đúc nhất Hà Nội. Hàng nghìn người dân và du khách chụp ảnh, lưu lại kỷ niệm.
Gia đình bà Hà đi từ Hải Phòng đến đây. Bà cũng từng sinh sống trên con phố này, có nhiều kỷ niệm từ những ngày Thủ đô còn gian khó, nên muốn trở lại đây cùng con cháu.
Bà Trần Thị Hà (Quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng: "Không gian này thay đổi có những luyến tiếc nhưng chúng ta phải nhìn cao hơn, không chỉ về những kỉ niệm mà không nghĩ cái lớn hơn thì không được. Tôi cũng hi vọng sau này nhìn lại sự thay đổi Hồ Gươm của chúng ta, muốn có cái đó chúng ta phải hi sinh, chấp nhận, chứ không thể gò bó giữ mãi thế này".
Khoảng hơn 50 công trình trong diện phá dỡ trong lần mở rộng quảng trường và tổ chức những tuyến giao thông kết nối với Hồ Gươm trong lần này. Có sự xen kẽ cả những công trình mang giá trị di sản kiến trúc.
Hồ Gươm sẽ luôn là không gian vừa lưu giữ quá khứ, vừa rộng mở cho tương lai.
Với nhiều người, Hà Nội là một thành phố đặc biệt - nơi mà từng viên gạch, từng mái ngói đều chất chứa những câu chuyện, những giá trị văn hóa đã đan xen và bám rễ qua hàng thế kỉ.
Không gian Hồ Gươm là phần lõi sống động của thành phố, nơi quá khứ và hiện tại phải cùng tồn tại.
Hà Nội luôn là một thành phố của ký ức, của lịch sử - nhưng cũng là thành phố của những bước tiến. Một thành phố hiện đại không chỉ là nơi có những tòa nhà cao tầng, mà còn là nơi con người được kết nối với thiên nhiên, với lịch sử, với những giá trị làm nên linh hồn của nó.
Nhiều người dân mong rằng sau lần cải tạo này, Hồ Gươm sẽ luôn là không gian vừa lưu giữ quá khứ, vừa rộng mở cho tương lai.
Những thành phố có bản sắc luôn là những nơi biết giữ gìn quá khứ trong lòng hiện tại. Với không gian Hồ Gươm, Hà Nội không cần một cuộc thay đổi vội vã. Đó là quá trình cải tổ có chiều sâu, có tính toán, không chỉ trên góc độ quy hoạch mà còn từ góc nhìn di sản và ký ức đô thị. Với sự tham vấn của các chuyên gia, sự đối thoại công khai với cộng đồng, chúng ta có thể phát triển mà vẫn giữ được hồn cốt - điều làm nên sự khác biệt và sâu lắng của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!