TP Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội lớn để biến đổi những giá trị di sản trở thành động lực tăng trưởng mới cho du lịch, đồng thời góp phần xây dựng một thành phố hiện đại nhưng giàu bản sắc. Phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP Hồ Chí Minh, về những tiềm năng và thách thức của thành phố trong việc phát triển du lịch văn hóa - di sản.
Bảo tàng Hồ Chí Mih (Bến Nhà Rồng) di tích mang tính biểu tượng của TP Hồ Chí Minh
Theo ông, đâu là yếu tố nền tảng giúp TP Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh du lịch văn hóa gắn với di sản?
TP Hồ Chí Minh sở hữu kho tàng di sản độc đáo nhờ sự giao thoa giữa các nền văn hóa Á - Âu qua nhiều giai đoạn lịch sử. Cốt lõi của việc phát triển du lịch văn hóa là xác định cụ thể các giá trị đa dạng này.
Không chỉ các di tích lịch sử mà cả các yếu tố văn hóa phi vật thể, như ngôn ngữ, lễ hội, phong tục… và thậm chí là những yếu tố văn hóa đương đại đều có thể trở thành chất liệu tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Thành phố cần chuyển đổi từ tư duy "tham quan" sang "trải nghiệm". Mỗi chuyến trải nghiệm du lịch văn hóa sẽ là một hành trình khám phá bản sắc, nơi du khách được sống cùng lịch sử và văn hóa, chứ không đơn thuần chỉ nhìn ngắm. Bên cạnh đó, một chiến lược phát triển du lịch văn hóa thành công phải đảm bảo tính bền vững và tôn trọng giá trị di sản.
Lễ hội sông nước kể câu chuyện văn hóa - lịch sử của TP Hồ Chí Minh thu hút được rất đông du khách trong mỗi lần tổ chức
Ông đánh giá thế nào về thực trạng bảo tồn di sản hiện nay của TP Hồ Chí Minh?
TP Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, nhưng vẫn đối mặt với thách thức trong việc cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản. Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện chiến lược bảo tồn, kết hợp với du lịch bền vững, và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ các giá trị văn hóa lâu dài.
Làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm tổn hại đến cốt lõi giá trị của di sản?
Câu trả lời nằm ở sự cân bằng. Khai thác phải đi đôi với bảo tồn. TP Hồ Chí Minh cần xây dựng các sản phẩm du lịch có chiều sâu, kết hợp giữa trải nghiệm văn hóa và giáo dục, khơi dậy cảm xúc và sự đồng cảm của du khách.
Cộng đồng địa phương nên được đặt ở trung tâm của quá trình này. Họ không chỉ là người kể chuyện văn hóa mà còn là "người giữ linh hồn" di sản. Việc kết hợp giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, nếu thành phố áp dụng những chiến lược bảo tồn linh hoạt, sáng tạo và bền vững, đồng thời xây dựng một môi trường hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và các bên liên quan, thì du lịch văn hóa sẽ không chỉ là một công cụ phát triển kinh tế, mà còn là một phương thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của thành phố, tạo dựng một bản sắc mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Lễ hội Áo dài đã trở thành thương hiệu của TP Hồ Chí Minh
Sự kết hợp giữa tinh thần phương Đông và ảnh hưởng của phương Tây là "mỏ vàng" để sáng tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Thành phố cần xây dựng các tour du lịch có thể kết hợp giữa việc tham quan các di tích lịch sử và các hoạt động văn hóa hiện đại, như các buổi trình diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa, hoặc các sự kiện âm nhạc, thời trang, ẩm thực mang đậm ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa Á - Âu. Sự kết hợp này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm du khách mà còn góp phần nâng cao giá trị của di sản trong mắt cộng đồng.
Vai trò của cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch văn hóa là gì, theo ông?
Cộng đồng không chỉ giữ di sản phẩm, mà còn sáng tạo, kể lại và truyền tải nó theo cách chân thực nhất. Các sản phẩm du lịch có sự tham gia của người dân địa phương, như các tour hướng dẫn di sản, các lớp học nghệ thuật truyền thống, hay thậm chí là các hoạt động giao lưu văn hóa với du khách.…đều tạo dấu ấn riêng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Tour tham quan trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố được bình chọn là một trong những sự kiện nổi bật của TP Hồ Chí Minh
Chính quyền cần tạo cơ chế để người dân được đào tạo, được trao quyền và đóng vai trò chủ động trong mọi khâu. Khi cộng đồng thấy mình là một phần của du lịch văn hóa, quá trình bảo tồn và phát triển sẽ diễn ra tự nhiên và bền vững hơn rất nhiều.
Công nghệ có thể đóng góp gì trong việc phát triển du lịch di sản tại TP Hồ Chí Minh?
Rất nhiều. Công nghệ số chính là công cụ giúp bảo tồn, số hóa và lan tỏa sản phẩm ra toàn cầu. Ví dụ: thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), bản đồ thông minh... giúp khách hàng có thể tham quan, tìm hiểu và tương tác với di sản ngay tại nhà hoặc từ xa.
Tour Ký ức Biệt động Sài Gòn nhận được sự yêu mến của du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các nền tảng hỗ trợ quản lý chuyến tham quan, hướng dẫn ảo, đặt vé trực tuyến, thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ... cũng nâng cao trải nghiệm du khách và tối ưu hóa khả năng vận hành. Thành phố cần xem công nghệ là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển du lịch văn hóa bền vững.
Ông có kỳ vọng gì vào tương lai của du lịch văn hóa TP Hồ Chí Minh?
Tôi tin TP Hồ Chí Minh có đủ điều kiện để trở thành một điểm đến về du lịch văn hóa - di sản tầm cỡ khu vực. Với chiến lược đúng đắn, sự phối hợp liên ngành hiệu quả, cộng đồng chủ động và ứng dụng công nghệ hiện đại, có thể biến từng góc phố, con đường thành một "trang sách sống" về văn hóa, nơi du khách đến để khám phá, cảm nhận.
Xin cám ơn ông !
Tiến sĩ Dương Đức Minh hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP Hồ Chí Minh. Ông chuyên nghiên cứu về du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, đóng góp tích cực vào việc phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!