Theo Tiến sĩ Brian Quoc Le, chuyên gia về khoa học thực phẩm, nhiệt độ lý tưởng nhất mà bạn nên đặt cho tủ lạnh là 37 độ F tức 2,78 độ C. “Về cơ bản, đây gần như là nhiệt độ thấp nhất trước khi thực phẩm bắt đầu chuyển qua chế độ đông. Nhiệt độ càng thấp, tốc độ phát triển của vi sinh vật càng chậm. Cứ mỗi 10 độ F cao hơn nhiệt độ đó (37 độ F), các vi sinh vật có thể tăng gấp đôi tốc độ phát triển”, ông giải thích.
Một số loại tủ lạnh hiện đại có thể cho phép người sử dụng cài đặt chính xác mức nhiệt độ trên nhưng với những loại không có hỗ trợ mà chỉ có thao tác theo các cấp độ phổ biến: thấp - trung bình - cao, thì bạn có thể sử dụng dầu đậu phộng để làm thí nghiệm nho nhỏ kiểm tra. Dầu đậu phộng có điểm đóng băng là 37,4 độ F (3 độ C), cao hơn một chút so với nhiệt độ lý tưởng của tủ lạnh. Nếu bạn cho dầu đậu phộng vào tủ lạnh và nó đông lại, thì tủ lạnh đang ở nhiệt độ phù hợp", chuyên gia cho biết. Tuy nhiên, người sử dụng được khuyến cáo nên thường xuyên kiểm tra xem thực phẩm có được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp hay không, vì vậy, mua một nhiệt kế chuyên dụng sẽ là lựa chọn tốt nhất và lâu dài.
Ngoài việc giữ nhiệt độ trong tủ lạnh ở mức lý tưởng 37 độ F, bạn có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và các bệnh do thực phẩm gây ra bằng cách bảo quản đúng cách và giữ lạnh các món ăn đã nấu chín ngay sau khi ăn.
Bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh giúp hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn
- Các ngăn đựng rau quả trong tủ lạnh được dành riêng cho trái cây và rau quả vì không cần nhiệt độ lạnh như các ngăn còn lại. Nếu quá lạnh, rau, trái cây sẽ bị tổn thương lạnh và bắt đầu bị phân hủy. Khi điều đó xảy ra, rau củ quả sẽ hấp thụ lại nhiều chất dinh dưỡng, trở nên mềm hơn, bột hơn, sẽ có mùi vị lạ và không ngon nữa. Vì thế hãy sử dụng đúng chức năng của từng ngăn để vừa gọn gàng, vừa phát huy đúng hiệu quả bảo quản.
- Khi muốn giữ lại thực phẩm không dùng đến hoặc chưa ăn hết hãy đặt vào tủ lạnh càng sớm càng tốt trong những loại hộp đựng bằng chất liệu an toàn, kín và sạch. Nguyên tắc chung là tránh để thực phẩm dễ hỏng ở ngoài trong 2 giờ hoặc lâu hơn, nhưng bạn cần cân nhắc đến môi trường xung quanh. Nếu ở nơi có khí hậu nóng ẩm hoặc trong mùa hè, thực phẩm sẽ hỏng nhanh hơn nữa. Sau thời gian bảo quản lạnh trong tủ, thực phẩm nên được hâm nóng lại, các loại súp, nước sốt và nước thịt phải đun sôi. Các sản phẩm từ thịt và rau nấu chín có thể để được 2-3 ngày còn các loại đồ muối có thể lâu hơn. Hãy lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và bảo quản trên nhãn bao bì của nhà sản xuất để có cách sử dụng phù hợp, giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!