Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 46 người mắc và nhập viện điều trị, 01 trường hợp tử vong (do ăn thịt cóc). Các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện thanh, kiểm tra 10.835 cơ sở, phát hiện 793 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, qua đó đã xử phạt 225 cơ sở với số tiền phạt gần 01 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm hiện đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn như vấn đề dư lượng hóa chất trong sản phẩm thực phẩm; điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến; khó khăn trong kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu trên thị trường…Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là hoạt động cần được quan tâm, triển khai thường xuyên, liên tục.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
"Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025 với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố" bắt đầu triển khai từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2025 trên phạm vi toàn tỉnh nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, công tác giám sát, quản lý hoạt động của bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn đề nghị các ngành, các cấp, địa phương cần tập trung thực hiện hiệu quả nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025, trong đó lưu ý việc quản lý các cơ sở kinh doanh ăn uống không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như cơ sở kinh doanh ăn uống không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố… vì những cơ sở này có nhiều nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm do ít được kiểm soát. Cùng với đó, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, bảo đảm tính răn đe, để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thay đổi hành vi trong việc bảo đảm về an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra điều kiện về an toàn thực phẩm đối với các dịch vụ nấu ăn lưu động, dịch vụ gia chánh trên địa bàn, tuyệt đối không để các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm cung cấp dịch vụ cho người dân…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!