Sứ giả của nghệ thuật dân gian
Nghệ thuật múa rối nước là một loại hình sân khấu dân gian độc đáo của Việt Nam, xuất phát từ các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ban đầu, nghệ thuật múa rối nước xuất hiện trong các lễ hội làng quê, khi người dân sáng tạo ra hình thức điều khiển con rối trên mặt nước, tận dụng những ao hồ, sông suối để làm sân khấu tự nhiên. Những quân rối ấy không chỉ đơn thuần là món đồ, mà còn là nhân chứng sống động tái hiện những câu chuyện cổ tích, những lát cắt chân thực về đời sống người Việt xưa, chứa đựng linh hồn của dân gian. Chính vì thế, dù ở bất kỳ thời đại nào, mỗi nhân vật rối đều thấm đượm hơi thở văn hóa và tâm hồn Việt.
Những quân rối nước không chỉ là công cụ biểu diễn mà còn mang giá trị văn hóa, thể hiện tinh thần lạc quan, sáng tạo và sự khéo léo của người Việt xưa
Các tuyến nhân vật múa rối nước đa dạng theo các chủ đề bao quát mọi lĩnh vực cuộc sống đến đời sống tâm linh như thần linh (bát tiên), linh vật (long, ly, quy, phượng), anh hùng dân tộc và các con người, vật thường ngày của làng quê Việt Nam xưa (con trâu, con gà, nông cụ), khiến mỗi vở diễn rối nước trở thành một bức tranh thu nhỏ của đời sống Việt Nam qua bao thế hệ. Theo thời gian, rối nước phát triển thành một loại hình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, với hệ thống con rối đa dạng, các màn trình diễn đặc sắc và những câu chuyện dân gian đầy màu sắc.
Trong nghệ thuật tạo hình con rối ở Việt Nam, có hai phong cách chính: dân gian và hiện đại. Trong đó, phong cách dân gian gắn liền với rối nước - loại hình nghệ thuật ra đời từ xa xưa, phản ánh chân thực đời sống và tín ngưỡng của người Việt. Những con rối ra đời từ kinh nghiệm, từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân và phát triển theo dòng chảy văn hóa làng quê Việt Nam "Múa rối nước hội tụ đầy đủ tất cả: văn hóa, nghệ thuật, tâm linh. Con người luôn luôn phải giữ được văn hóa, có văn hóa là có tất cả. Trong nghệ thuật rối nước có điều đặc biệt, nếu những người trước không bảo thì người sau không học được" - Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chia sẻ.
Chế tác rối là một công việc yêu cầu tính thẩm mỹ cao, vô cùng công phu và cầu kỳ, đòi hỏi ở người nghệ nhân sự kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ trong từng giai đoạn. Thông thường, để hoàn thành một bộ rối nước đầy đủ gồm 16 trò, người nghệ nhân phải mất từ 4 đến 5 tháng miệt mài chế tác, trải qua nhiều công đoạn. Quá trình này không chỉ đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo mà còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Đặc biệt, do rối nước chủ yếu được làm từ gỗ sung - nên sau khi đục đẽo tạo hình, các con rối cần có thời gian sấy khô tự nhiên để đảm bảo độ bền. Trong những ngày ẩm nồm, giai đoạn này có thể kéo dài hơn, khiến quá trình hoàn thiện trở nên công phu và tỉ mỉ hơn bao giờ hết.
Nghệ nhân đang chạm khắc thủ công các chi tiết cho con rối
Theo quan niệm dân gian, cây sung tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy. Khi khô, gỗ sung gần như không hút nước, giúp con rối bền bỉ khi ngâm mình dưới thủy đình. Cũng giống như gỗ sung, cây tre cũng đóng vai trò không thể thiếu trong nghệ thuật múa rối nước. Trong múa rối, tre là nguyên liệu làm các thanh gậy điều khiển, giúp con rối chuyển động linh hoạt, mềm mại, uyển chuyển dưới nước. Sự kết hợp giữa gỗ sung và tre trong múa rối nước thể hiện sự tinh tế, sâu sắc trong tư duy của ông cha ta.
Những nguyên liệu dân dã, gần gũi với đời sống của người Việt lại chính là yếu tố làm nên sức sống bền bỉ của nghệ thuật rối nước qua bao thế hệ. "Chính sự kết hợp giữa tạo hình, chế tác và cách vận hành đã làm nên sức sống cho nghệ thuật múa rối nước, khiến mỗi con rối khi lên sân khấu đều trở thành một phần không thể thiếu của vở diễn. Ngày trước, người ta chỉ tạc tay chân đơn giản, miễn sao có thể cử động được là đủ. Giờ đây, con rối được trau chuốt hơn, màu sắc sắc nét hơn, chi tiết hơn, thể hiện sự phát triển của nghệ thuật rối nước theo thời gian. Nhưng dù có đổi thay thế nào, cốt lõi của múa rối nước vẫn là những giá trị văn hóa, tinh thần mà bao thế hệ đã gìn giữ và truyền lại đến hôm nay." - Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chia sẻ.
Làm sao để con rối "sống"?
Trên sân khấu rối nước, những con rối di chuyển nhịp nhàng, cử động linh hoạt và thể hiện nhiều động tác phức tạp. Nhưng ít ai biết rằng, ẩn sau những chuyển động duyên dáng ấy là một hệ thống điều khiển tinh xảo - còn được gọi là "máy rối." Đây chính là bí quyết tạo nên sự khác biệt trong nghệ thuật múa rối nước của mỗi phường rối, và cũng là yếu tố được gìn giữ như một bí mật nghề nghiệp.
Để làm ra một con rối hoàn chỉnh, người thợ cần phải am hiểu sâu sắc về chuyển động, cơ khí và kỹ thuật điều khiển.
Họ chính là những "đạo diễn" thực thụ, sáng tạo nên hệ thống máy rối phù hợp với từng nhân vật, từng câu chuyện, từng sân khấu biểu diễn. Chính những đôi tay tài hoa ấy đã giúp những nhân vật rối nước trở nên sinh động, tạo nên một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam - nơi mà mỗi con rối không chỉ là một khối gỗ vô tri, mà là một phần của hồn dân tộc, một dấu ấn văn hóa mãi trường tồn.
Những sáng tạo mới trong các vở diễn hiện đại
Múa rối nước vốn là một hình thức kể chuyện bằng hình ảnh, âm thanh và chuyển động. Những tích trò như "Vinh Quy Bái Tổ", "Múa Tứ Linh", "Lê Lợi trả gươm"... giúp khán giả hiểu về đời sống và lịch sử cha ông. Để thu hút khán giả trẻ, nhiều nhà hát và nghệ sĩ đã nỗ lực đổi mới trong cách thể hiện múa rối nước. Vở diễn "Hoàng đế cờ lau" của Nhà hát Múa rối Thăng Long là một ví dụ điển hình khi kết hợp múa rối cạn và múa rối nước, tái hiện cuộc đời vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh. Chương trình "Khúc đồng dao", "Rước ảnh Bác Hồ" hay "Truyền thuyết Cổ Loa Thành" cũng mang đến sự sáng tạo khi kết hợp giữa múa rối truyền thống và các yếu tố hiện đại. Chương trình tái hiện vẻ đẹp văn hóa các vùng miền Việt Nam, giúp khán giả, đặc biệt là du khách quốc tế, khám phá văn hóa dân tộc qua sân khấu múa rối nước.
Vở Múa Tiên trong một buổi biểu diễn tại Nhà hát múa rối Thăng Long
Năm 2010, vở diễn "Truyện cổ Andersen" của tác giả - đạo diễn Ngô Quỳnh Giao, do Nhà hát Múa rối Việt Nam dàn dựng, đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ II. Thành công này không chỉ là một dấu ấn lớn của nhà hát mà còn chứng minh rằng nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam có thể vươn xa nhờ sự sáng tạo không ngừng. Trước đó, vào năm 2008, Nhà hát múa rối Thăng Long - Hà Nội cũng gây tiếng vang với vở diễn "Huyền thoại Rồng Tiên", tác phẩm của NSƯT Đăng Tiến, do đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn dàn dựng đã giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ I, góp phần khẳng định giá trị nghệ thuật và sức lan tỏa của múa rối nước trên sân khấu quốc tế.
Nghề trong Tôi, Tôi trong Nghề
Từ những sân đình làng quê đến các nhà hát lớn, từ những câu chuyện dân gian đến các vở diễn hiện đại, múa rối nước không chỉ là một màn trình diễn mà còn là hơi thở của thời đại, là tiếng nói của quá khứ vọng tới tương lai. Nhưng để giữ được hồn cốt ấy, cần có những con người tận tâm, những nghệ nhân thầm lặng gắn bó cả đời với nghề. Câu chuyện của họ không chỉ là chuyện nghề, mà còn là câu chuyện của tình yêu, của đam mê và của những nội lực để di sản cha ông tiếp tục phát triển giữa thời đại mới.
Làng Đào Thục - vốn được biết đến như cái nôi của nghệ thuật múa rối nước xứ kinh kỳ, với lịch sử khoảng 300 năm. Nằm bên dòng sông Cà Lồ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km, từ bao đời nay, người dân Đào Thục vẫn miệt mài gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này, như một niềm tự hào về làng quê và nền văn hóa Việt Nam.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thỏa
Sinh năm 1965 tại thôn Đào Thục, bà Nguyễn Thị Thỏa là nữ Nghệ nhân Ưu tú duy nhất của phường rối nước hơn 300 năm tuổi. Bà say mê những làn điệu chèo sâu lắng và tham gia đội chèo của làng từ năm 14 tuổi, nhanh chóng chinh phục mọi người bằng giọng hát trong trẻo. Tình yêu với những làn điệu chèo lớn dần theo tháng năm, đây chính là cơ duyên giúp bà có thể đến với bộ môn nghệ thuật múa rối nước sau này.
Sớm nhen nhóm niềm say mê với nghệ thuật truyền thống, bà chia sẻ rằng từ khi 8 tuổi "Đi xem nhiều quá thành ra say mê, lúc đó chúng tôi lấy bèo tây và đất sét để tạo ra những quân rối rồi biểu diễn trên mặt ao, mặt mương rồi thoại như các cụ"
Bà cũng chính là nữ nghệ nhân đầu tiên ở làng Đào Thục được "xuống nước", điều này đã tạo động lực cho những người phụ nữ đam mê nghệ thuật truyền thống theo đuổi bộ môn này. "Đam mê là yếu tố then chốt để giữ được lửa với nghề này. Nếu có đam mê, tự khắc sẽ có sự chăm chỉ, kiên trì và mong muốn học hỏi để nâng cao kỹ năng. Nếu ai bước vào nghề chỉ vì tiền bạc, chắc chắn sẽ không thể duy trì lâu dài".
Múa rối nước là một công việc nặng nhọc, vất vả, nhất là khi thời tiết trở lạnh, vì vậy công việc này thường do nam giới gánh vác. "Cái khó là trời lạnh phải ngâm mình dưới nước nhưng may thay sau này chúng tôi được hỗ trợ trang phục nên cũng sướng hơn các cụ hồi xưa, các cụ hồi xưa chỉ mặc đúng một bộ quần áo bình thường rồi xuống nước thôi."
Để mang đến những màn trình diễn sống động, các nghệ nhân phải thường xuyên ngâm mình dưới nước, đặc biệt trong những ngày đông giá rét với nhiệt độ chỉ khoảng 14 -15 độ C. Họ không chỉ đối mặt với điều kiện làm việc khắc nghiệt mà còn cần phải cân bằng giữa nghệ thuật và cuộc sống mưu sinh. Nhiều nghệ nhân phải làm thêm nghề khác để trang trải cuộc sống, nhưng ngọn lửa nghệ thuật và lòng đam mê với múa rối nước vẫn luôn cháy bỏng trong họ.
Bà Thỏa luôn đề cao giá trị truyền thống của bộ môn nghệ thuật múa rối nước, nhấn mạnh rằng đó là di sản mà các cụ ngày xưa để lại nên chúng ta phải tiếp tục phát huy, giữ gìn bằng bất cứ giá nào. Hằng năm vào những dịp hè, bà cùng Nghệ nhân Ưu tú Đinh Hữu Tự mở các lớp dạy nghề múa rối nước để truyền lại và khơi dậy lửa nghề cho những thế hệ sau. Với những đóng góp nhiệt huyết của mình, vào năm 2019, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Gia đình bà có năm nghệ nhân được tặng "Kỷ niệm chương" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ở tuổi 60, ngoài công việc đồng áng, "gia đình rối nước" vẫn tiếp tục phát huy truyền thống, tuyên truyền và vận động người dân địa phương, các nghệ nhân kế tục và phát triển nghệ thuật múa rối nước mà Tổ nghề và các thế hệ cha ông truyền lại.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi
Cũng sinh ra và lớn lên ở làng Đào Thục, từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Phi đã được chứng kiến những buổi biểu diễn rối nước của các bậc tiền bối trong làng. "Tôi đã gắn bó với nghề đục rối hơn 10 năm rồi, một phần vì phường rối của mình có bề dày lịch sử lâu đời nhưng lại không có nhiều người theo nghề đục tạc. Từ những năm 1984 tôi đã say mê ngắm nhìn các cụ trong làng tỉ mẩn đục từng đường nét trên con rối. Cái cách họ làm việc đầy say mê, tận tâm như thể thổi hồn vào từng khúc gỗ đã in sâu vào ký ức của tôi".
Ông Phi không đặt nặng chuyện con rối nào đẹp nhất hay ấn tượng nhất, vì mỗi con rối đều có linh hồn riêng, gắn liền với một tích trò, một câu chuyện, một cá tính. Để tạo ra một con rối có hồn, nghệ nhân không chỉ cần tay nghề cao mà còn phải hiểu về hội họa, cơ khí và cả triết lý văn hóa dân gian.
Nhờ sự bền bỉ và sáng tạo, ông Nguyễn Văn Phi đã trở thành một trong những nghệ nhân xuất sắc nhất của làng rối nước Đào Thục.
Ông không chỉ giỏi biểu diễn mà còn là người đầu tiên trong làng chuyên tâm vào việc chế tác con rối. Từ những con rối đơn giản ban đầu, ông dần dần sáng tạo ra những mẫu rối phức tạp hơn, có khả năng biểu đạt cảm xúc và chuyển động chân thực hơn trên mặt nước. Ngoài việc chế tác rối, ông Nguyễn Văn Phi cũng tham gia giảng dạy và truyền lửa cho thế hệ trẻ.
Ông hiểu rằng việc bảo tồn nghệ thuật múa rối nước không chỉ dừng lại ở việc giữ nguyên những giá trị truyền thống, mà còn phải làm cho nghệ thuật này sống động và hấp dẫn hơn với khán giả hiện đại.
"Mình là người Việt, thì mình phải có trách nhiệm gìn giữ và phát triển nó. Có những lúc khó khăn, có khi nản lòng, nhưng nghĩ đến các cụ ngày xưa không có điều kiện như bây giờ mà vẫn kiên trì giữ lấy nghề, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục. Bảo tồn múa rối nước không chỉ là trách nhiệm của một vài nghệ nhân, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Nếu mỗi người trẻ đều dành một chút quan tâm, một chút tìm hiểu, thì nghệ thuật này sẽ không bao giờ mai một. Khi nhiều người biết đến, trân trọng và lan tỏa, múa rối nước sẽ tiếp tục sống mãi với thời gian", Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi bày tỏ.
Việc giảng dạy về múa rối nước tất nhiên là khó, mà đã là nghệ thuật thì lại càng khó, đặc biệt là nghệ thuật dân gian. Cái khó đầu tiên là ở chính những người học. Cần dành vài năm để học nghề, mất thêm nhiều năm để thành thạo các kỹ thuật, ngâm mình dưới nước lạnh hàng giờ để biểu diễn, chai sạn đôi bàn tay, thấm nhuần tích truyện dân gian, hiểu được hồn cốt của văn hóa truyền thống và hơn hết là giữ niềm đam mê với văn hóa dân gian này,... có lẽ là những rào cản lớn nhất khiến người trẻ ít lựa chọn theo đuổi con đường đầy gian nan ấy.
Cái khó thứ hai là việc học múa rối nước chưa mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mục tiêu là dù bận rộn với cuộc sống, mỗi khi có thời gian rảnh, mọi người vẫn có thể ra diễn, để khi điều kiện cho phép, khi gia đình ổn định hơn, có thể gắn bó lâu dài hơn. Đây cũng là cách mà múa rối nước được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một vòng luân chuyển.
Anh Đặng Quốc Dũng - Diễn viên múa rối nước
Anh Đặng Quốc Dũng - một nghệ nhân trẻ đã gắn bó với nghề hơn 5-6 năm - chính là minh chứng cho tinh thần tiếp nối của thế hệ mới. Khi được hỏi về quá trình chăm sóc những con rối, anh Dũng chia sẻ rằng việc này tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. "Mỗi con rối đều có hồn, dù chỉ là một vết nứt nhỏ cũng cần được chăm chút. Mỗi buổi diễn kết thúc không có nghĩa là công việc của người nghệ nhân đã hoàn thành. Chúng tôi luôn kiểm tra lại từng con rối, sửa chữa những chỗ hư hỏng để đảm bảo lần trình diễn sau được trọn vẹn".
"Mỗi lần điều khiển con rối, tôi đều cảm thấy như đang truyền tải một phần lịch sử và tinh thần dân tộc" – nghệ nhân trẻ chia sẻ
Sinh ra và lớn lên ở làng Đào Thục, anh Dũng hiểu rằng múa rối nước không chỉ là một nghề mà còn là di sản quý giá của quê hương. Chính vì vậy, anh luôn mong muốn có thể truyền lại tình yêu và kỹ năng này cho thế hệ sau, để múa rối nước không bị mai một theo thời gian, để giới trẻ trên khắp đất nước và bạn bè quốc tế biết và yêu mến môn nghệ thuật này, tự hào giữ vững vị thế là một nét đặc trưng độc đáo của Việt Nam.
Hơi thở của thời đại - Giữ nghề và đổi mới
Không khó để nhận thấy rằng, ngày nay nhịp sống hối hả khiến những giá trị văn hóa truyền thống dần trở nên xa lạ với lớp trẻ. Không ít bạn trẻ thừa nhận, họ từng nghe đến múa rối nước, nhưng chưa từng xem một buổi diễn trực tiếp. Điều này không chỉ là sự thay đổi trong thói quen giải trí, mà còn là dấu hiệu cho thấy múa rối nước đang mất dần vị trí trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Nhưng có lẽ, điều đáng lo hơn cả chính là việc ngày càng ít người trẻ chọn theo đuổi con đường trở thành nghệ nhân múa rối nước trước thực tế rằng lớp nghệ nhân gạo cội đang dần già đi.
Múa rối nước cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận khán giả trẻ
Các buổi diễn chủ yếu phục vụ khách du lịch, ít được quảng bá rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội - nơi giới trẻ dành phần lớn thời gian. Dường như múa rối nước vẫn được gìn giữ nhưng chưa thực sự gắn bó với người trẻ Việt Nam khi mà thị hiếu khán giả ngày một thay đổi nhanh chóng.
Di sản cha ông và trách nhiệm kế thừa
Ở làng nghề Đào Thục hay Thanh Hà, vẫn có những nghệ nhân trẻ nối nghiệp cha ông. Nhưng con đường họ đi không hề bằng phẳng. Để đưa múa rối nước đến gần hơn với công chúng trẻ, các nhà hát đã có những đổi mới đáng kể. Một số đoàn rối đã bắt đầu ứng dụng công nghệ vào biểu diễn, kết hợp ánh sáng, âm nhạc hiện đại để tạo ra những vở diễn mới lạ hơn. Các nghệ sĩ trẻ cũng mạnh dạn đưa múa rối nước lên các nền tảng số như Tiktok, Youtube, lan tỏa nghệ thuật này theo cách gần gũi hơn với công chúng. Đây có thể là những bước đi nhỏ, nhưng quan trọng để giữ cho múa rối nước không bị lãng quên.
Giữ lửa nghệ thuật truyền thống múa rối nước là nhiệm vụ của những nghệ nhân tâm huyết, là sự chung tay của cả cộng đồng, từ chính sách hỗ trợ của nhà nước, đến sự đổi mới từ những nhà làm nghệ thuật, và quan trọng nhất, là sự đón nhận từ thế hệ trẻ.
Những câu chuyện về các nghệ nhân miệt mài gìn giữ nghệ thuật truyền thống là những lát cắt đẹp của quá khứ, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Văn hóa dân gian không nên chỉ tồn tại trong ký ức, mà cần được tiếp tục sống động trong đời sống hiện đại, để không chỉ là niềm tự hào mà còn trở thành bản sắc bền vững của dân tộc.
Với mong muốn là những người kế thừa, đưa múa rối nước đến gần hơn với giới trẻ, khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ những di sản quý báu của cha ông, nhóm "Thanh Âm Thuỷ Mộc" đã trở thành cầu nối, đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng bằng những cách tiếp cận mới mẻ, sáng tạo. Dự án không chỉ đơn thuần là một hoạt động bảo tồn, mà còn là lời khẳng định rằng những giá trị văn hóa truyền thống vẫn luôn là kim chỉ nam vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Thông qua những hình ảnh chân thực, những thước phim sống động và câu chuyện đầy cảm xúc, các bạn trẻ từ "Thanh Âm Thuỷ Mộc" mong muốn lan tỏa tình yêu với nghệ thuật múa rối nước tới khán giả Việt Nam và bạn bè quốc tế
Đây không chỉ là hành trình gìn giữ mà còn là hành trình lan tỏa, mà để mỗi người trẻ hôm nay hiểu rằng, bên cạnh những đổi thay của thời đại, văn hóa truyền thống vẫn là gốc rễ, là niềm tự hào mà chúng ta có trách nhiệm tiếp nối và phát huy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!