Theo Time, ống hút nhựa dùng một lần từ lâu đã trở thành đối tượng bị chỉ trích, là ví dụ minh họa nổi bật cho tác hại của nhựa đối với môi trường. Phong trào phản đối lên cao vào năm 2015 khi một video đáng sợ ghi lại quá trình rút loại ống hút này ra khỏi mũi của rùa biển. Sự việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực mà ống hút nhựa gây ra đối với môi trường, tác động cả tới các loài sinh vật tưởng như không có khả năng tiếp cận đối với vật dụng này.
Tổ chức Động vật hoang dã thế giới cho biết, ống hút nói riêng và các rác thải nhựa nói chung đã tấn công đại dương, gây nên ô nhiễm nghiêm trọng, khiến nhiều loài động vật gặp nguy hiểm vì lầm tưởng đó là thức ăn hoặc vô tình vướng phải như trường hợp của chú rùa biển đáng thương nói trên. Ước tính, ô nhiễm rác thải nhựa đã giết chết 100.000 động vật có vú ở biển mỗi năm. Trong khi đó, thống kê từ tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy, họ đã thu thập được gần 14 triệu ống hút và các loại que khuấy nhựa trên các bãi biển và đường thủy trên toàn cầu trong 35 năm qua.
Ống hút nhựa được sử dụng phổ biến vì tiện lợi, giá thành rẻ (Ảnh: Pixabay)
Ống hút và các vật dụng nhựa dùng một lần khác phân hủy theo thời gian, thải ra các hạt vi nhựa vào nước, từ đó có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như ung thư và các bệnh hô hấp… Tạp chí Nature Medicine vào ngày 3/2 vừa qua đã công bố kết quả nghiên cứu phát hiện những mảnh vi nhựa cực nhỏ đang hiện diện với số lượng đáng báo động trong mô não người. Đáng lo ngại, không phải là những hạt rắn mà là các mảnh nhựa mỏng, sắc nhọn hiện diện trong cả mô não. Hiện, nhóm nghiên cứu đang tập trung tìm hiểu xem sự xuất hiện ngày càng tăng của nhựa trong não có gây hại đến sức khỏe con người hay không. Không chỉ trong mô não, nghiên cứu phát hiện các hạt vi nhựa cũng gia tăng trong các mẫu gan và thận. Vi nhựa còn được tìm thấy trong máu, tinh dịch, sữa mẹ, nhau thai và tủy xương - theo nhà nghiên cứu Matthew Campen, Giáo sư Regents và các giáo sư khoa học dược phẩm tại Đại học New Mexico ở Albuquerque, Mỹ.
Hạt vi nhựa (Ảnh: iStockphoto)
Ống hút giấy xuất hiện và được coi như một giải pháp cho các vấn đề nhức nhối liên quan đến rác thải nhựa. Ống hút hiện đại được phát minh bởi nhà phát minh người Mỹ Marvin C. Stone vào năm 1888 và phiên bản được cấp bằng sáng chế vốn làm từ giấy và sáp. Khi nhựa ngày càng rẻ tiền và phổ biến, những năm 1960 chứng kiến sự bùng nổ của ống hút nhựa. Ống hút giấy với khá nhiều bất tiện khi sử dụng như chóng bị mủn khi tiếp xúc lâu với nước, khó hút, giá thành sản xuất đắt đỏ hơn nên không được ưa chuộng cho tới khi sự quan tâm đến các vấn đề môi trường, phát triển bền vững ngày một lớn, khi những hiểm họa từ rác thải nhựa ngày một rõ ràng. Loại bỏ, thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy hoặc một số sản phẩm ống hút từ rau củ quả thiên nhiên hay làm bằng thép, thủy tinh… là sự lựa chọn của rất nhiều nơi, nhiều thương hiệu đồ uống, nhà hàng. Nhưng có rất nhiều người cũng tẩy chay ống hút giấy và muốn đưa ống hút nhựa trở lại như ông Trump vì cho rằng ống hút giấy không chỉ bất tiện mà không bền vững, không “xanh” như mọi người vẫn nghĩ. Ống hút nhựa có khả năng tái sử dụng cao hơn, giá rẻ hơn trong khi ống hút giấy, theo kết quả nghiên cứu, thải ra nhiều carbon dioxide hơn khi chúng phân hủy.
Ống hút giấy có khá nhiều bất tiện trong quá trình sử dụng (Ảnh: Pexels)
Sự lo ngại của chuyên gia trước lựa chọn “trở lại với nhựa” không chỉ dừng lại ở ống hút vì đây chưa phải là nguồn rác thải nhựa lớn nhất, gây hại cho môi trường nhất. Điều cần cân nhắc đó là, sau ống hút sẽ là gì? Chai nhựa, bát đĩa nhựa… dùng một lần, các chế phẩm khác từ nhựa vẫn đang ngày ngày làm ô nhiễm trầm trọng Trái đất. Sở dĩ, ống hút được quan tâm và mang tính biểu tượng cho những nỗ lực bảo vệ môi trường đó là vì thói quen sử dụng ống hút hoàn toàn có thể thay đổi, thậm chí loại bỏ trong nhiều trường hợp. Những thay đổi từ việc làm nhỏ, không thiết yếu như dùng ống hút dường như dễ dàng hơn đồng thời lại dễ nhân rộng, dễ truyền thông để lan tỏa thông điệp tích cực. Ống hút giấy và nhựa đang vướng vào cuộc tranh cãi nhưng chắc chắn sẽ không thể ngăn cản xu hướng sống xanh, sống sạch, sống có trách nhiệm với môi trường đang ngày càng được nhiều người theo đuổi. Ngoài ống hút giấy, các ống hút làm từ vật liệu thân thiện, có thể tái sử dụng nhiều lần, ống hút từ bột gạo, rau củ quả… tuy giá thành còn đắt đỏ cũng đang trở thành lựa chọn xứng đáng để nhằm mục tiêu cắt giảm rác thải nhựa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!