Bình Định: Đánh thức Làng nghề nón lá Nhơn Mỹ làm du lịch

Thanh Hải-Thứ tư, ngày 05/02/2025 14:56 GMT+7

bangdatally.xyz - Đứng trước nguy cơ làng nghề bị mai một nghề nón lá, lãnh đạo xã Nhơn Mỹ (An Nhơn, Bình Định) đang có những định hướng, giải pháp để bảo tồn.

Làng nghề nón lá tồn tại hàng trăm năm

Nghề sản xuất nón lá tại xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn, Bình Định) có từ rất lâu đời gắn với làng nghề truyền thống nón lá Gò Găng. Người dân trên địa bàn xã sống chủ yếu sản xuất nông nghiệp, song xuất phát từ việc nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt của người dân địa phương, các nghệ nhân cao tuổi trong xã tổ chức sản xuất phục vụ cho đời sống tiêu dùng trong thôn và tiêu thụ tại chợ Gò Găng, phường Nhơn Thành để bán (ngày nay các tư thương đến thu gom tại chỗ).

Bình Định: Đánh thức Làng nghề nón lá Nhơn Mỹ làm du lịch - Ảnh 1.

Cổng Làng nghề nón lá Nghĩa Hòa, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn

Từ đó, nghề sản xuất nón lá phát triển và truyền dần cho các thế hệ đến ngày nay, hình thành một bộ phận nông dân chuyên sản xuất nón lá, đã giải quyết công ăn việc làm cho đại bộ phận nông dân trong thôn lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập cải thiện dần cuộc sống.

Tổng số hộ sản xuất trong các làng nghề nón lá là 368 hộ (trong đó có 532 lao động). Nguồn vốn sản xuất chủ yếu là vốn tự có của hộ. Tổng sản phẩm làm ra hàng năm của các làng nghề 502.680 chiếc nón lá, với giá bán khoảng 15.000 đồng/chiếc. Tổng doanh thu 7.530.750.000 đồng; thu nhập bình quân của mỗi lao động là 1,17 triệu đồng/tháng.

Bà Phan Thị Sương (62 tuổi) ở Làng nghề nón lá Nghĩa Hòa, xã Nhơn Mỹ chia sẻ: Tôi làm nghề chằm nón nhiều năm rồi, nghề này chỉ dành cho phụ nữ, người già lớn tuổi hoặc đàn ông làm lúc rảnh rỗi nông nhàn. Bởi vì thu nhập thấp nên thanh niên lao động không mặn mà với nghề làm nón, mặc dù là nghề truyền thống của gia đình, quê hương, dòng tộc. Tôi lo lắng nếu lớp người già như chúng tôi mất đi, thì sẽ không có lớp trẻ kế cận để giữ gìn nghề nón lá truyền thống mang đậm phong vị văn hóa làng quê Nhơn Mỹ được bảo tồn hàng trăm năm nay.

Bình Định: Đánh thức Làng nghề nón lá Nhơn Mỹ làm du lịch - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Sương (62 tuổi) là nghệ nhận của Làng nghề nón lá Nghĩa Hòa

Trước đây, trên địa bàn xã Nhơn Mỹ có 4 làng nghề truyền thống nón lá và một làng nghề truyền thống đan giỏ tre được UBND tỉnh Bình Định công nhận tại Quyết định số 1487/QĐ-CT.UBND ngày 13/7/2010.

Tuy nhiên năm 2019, qua rà soát các tiêu chí để công nhận làng nghề theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành quy chế phối hợp về quản lý làng nghề, ngành nghề nông thôn và công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định, thì trên địa bàn xã Nhơn Mỹ chỉ có 3 làng nghề đủ điều kiện được công nhận, đó là Làng nghề nón lá Đaị An, Làng nghề nón lá Thuận Đức, Làng nghề nón lá Nghĩa Hòa.

Vực dậy phát triển làng nghề nón lá

Nói về tình hình hoạt động của các làng nghề nón lá, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ Trần Anh Tấn chia sẻ: UBND xã Nhơn Mỹ lập đề án bảo vệ môi trường cho các làng nghề trên địa bàn xã đúng theo quy định. Mỗi làng nghề đều có tổ tự quản về bảo vệ môi trường để vận động các hộ trong làng nghề thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. 

Các làng nghề truyền thống trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất thủ công, sử dụng nguyên liệu tre, nan nên ít gây ô nhiễm môi trường. Các sản phẩm làm ra từ các làng nghề có giá bán thấp. Việc sản xuất chủ yếu bằng thủ công nên không sản xuất được nhiều, thu nhập bình quân/lao động thấp. Cơ sở hạ tầng làng nghề được đầu tư khang trang, đường xá được bê tông hóa trên 90%, xây dựng nhà văn hóa thôn để Nhân dân trong làng nghề sinh hoạt.

"Các làng nghề trên địa bàn xã Nhơn Mỹ có đặc trưng chỉ sản xuất bằng thủ công, không áp dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất nên sản phẩm làm ra chưa nhiều. Nguồn nguyên liệu sản xuất như tre ngày càng thu hẹp vì không còn nhiều, nguyên liệu làm nón lá (nan, lá...) phải mua từ nơi khác nên đôi khi bị ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Sản phẩm làm ra bấp bênh bởi bán giá thấp, chủ yếu thương lái thu mua theo mùa, phần nào làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của các hộ trong làng nghề", ông Trần Anh Tấn chia sẻ về những khó khăn của các làng nghề nón lá.

Bình Định: Đánh thức Làng nghề nón lá Nhơn Mỹ làm du lịch - Ảnh 3.

Nón lá Nhơn Mỹ có từ rất lâu đời gắn với làng nghề truyền thống nón lá Gò Găng

Trước tình hình các làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một vì thu nhập bình quân của mỗi lao động thấp, các công đoạn sản xuất chủ yếu bằng thủ công không áp dụng được khoa học kỹ thuật nên sản phẩm làm ra không nhiều.

Chia sẻ về định hướng và giải pháp phát triển các làng nghề nón lá tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ Trần Anh Tấn, cho biết: Xã Nhơn Mỹ có Di tích Chi Bộ Hồng Lĩnh nằm ở Làng nghề truyền thống nón lá Đại An, nên trong tương lai có thể quy hoạch làm du lịch thì sản phẩm từ các làng nghề sẽ cung cấp quà lưu niệm cho khách tham quan, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Chúng tôi rất mong cấp trên tiếp tục quan tâm quảng bá cho các làng nghề, quy hoạch xây dựng đề án làm du lịch, giới thiệu sản phẩm để các làng nghề nón lá trên địa bàn xã Nhơn Mỹ tiếp tục duy trì phát triển, không bị mai một.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước