Có thể vẫy tai và phun nước từ vòi, tuy nhiên, đó chỉ là bản sao cơ học theo kích thước thật của voi được đưa ra để thay thế cho những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong các ngôi đền Hindu tại Ấn Độ.
Được làm bằng sợi thủy tinh và cao su và di chuyển bằng cách lăn trên khung kim loại có bánh xe, đủ chắc chắn để chở người cưỡi, mô hình voi robot là một trong số hàng chục mô hình mà các nhà vận động vì quyền của động vật đang tung hô như một giải pháp thay thế cho việc nuôi nhốt voi ở Ấn Độ.
Voi robot có thể được sử dụng trong nhiều nghi lễ tại đền thờ Hindu, diễu hành qua đám đông đông đúc với đèn nhấp nháy, trống đập mạnh và âm nhạc rộn ràng. Điều này cũng giúp hạn chế các cuộc tấn công gây thiệt mạng từ những con voi hoảng loạn giữa đám đông.
Theo tổ chức Đấu tranh vì sự đối xử có đạo đức với động vật (PETA), hơn 2.700 con voi tại Ấn Độ thường phải đối mặt với "căng thẳng nghiêm trọng về thể chất và tâm lý" do bị nhốt một mình gần như cả ngày.
"Voi là một loài động vật hoang dã, nó thích sống trong rừng rậm" - C.G. Prakash, 68 tuổi, cựu quan chức tại ngôi đền Chakkamparambu Bhagavathy nổi tiếng ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, cho biết - "Chúng đang bắt giữ và tra tấn voi. Điều đó là hoàn toàn phi đạo đức".
Prakash là người đảm nhận công trong việc đưa chú voi robot đến đền thờ. Đây là món quà được tặng bởi Hiệp hội Tiếng nói vì voi châu Á, với mục đích hỗ trợ "các truyền thống đền chùa không tàn ác".
Theo Quỹ Động vật Hoang dã thế giới, hiện chỉ còn chưa đến 50.000 con voi sống trong môi trường tự nhiên hoang dã ở châu Á, trong đó phần lớn là tại Ấn Độ, một số khác ở Sri Lanka và các nước Đông Nam Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!