Kết quả cuộc khảo sát mới do công ty nghiên cứu thị trường Hàn Quốc Embrain công bố ngày 26/2 cho thấy, các dịch vụ trò chuyện trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có thể đóng vai trò là bạn đồng hành về mặt cảm xúc và thậm chí là "tư vấn viên" không chính thức cho nhiều thanh niên ở Hàn Quốc.
Embrain đã khảo sát 1.000 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 13 - 59 kể từ ngày 7-12/2. Khoảng 38% thanh thiếu niên nói chung và 42% thanh niên ở độ tuổi 20 nói riêng tin rằng họ có thể có những nội dung trò chuyện ý nghĩa về mặt cảm xúc với AI tạo sinh. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với những người được hỏi ở độ tuổi 30 (29,5%), 40 (32,5%) và 50 (31%).
Cho dù đó là việc trút bầu tâm sự về một ngày tồi tệ, chia sẻ suy nghĩ cá nhân hay chỉ đơn giản là tham gia vào các cuộc trò chuyện qua lại thông thường, các dịch vụ trò chuyện AI này có thể đảm nhiệm vai trò mà cho đến gần đây vẫn là sự trao đổi giữa con người với con người.
Ngoài các cuộc trò chuyện thông thường, một số người dùng trẻ tuổi thậm chí còn sử dụng dịch vụ trò chuyện AI để được định hướng về mặt tinh thần và cảm xúc. Kết quả khảo sát cho thấy 19,8% thanh thiếu niên và 17% những người trong độ tuổi 20 cho biết họ sẽ nhờ đến AI để được hỗ trợ về sức khỏe tâm thần hoặc tư vấn cá nhân. Tỷ lệ này thấp hơn ở những người ở độ tuổi 30 (14,8%), 40 (14,3%) và 50 (14,8%).
Mặc dù các dịch vụ trò chuyện AI không phải là nhà trị liệu được đào tạo, nhưng khả năng cung cấp phản hồi ngay lập tức, tương tác không phán xét và lời khuyên dường như được cá nhân hóa đối với từng người dùng có thể giúp lý giải vì sao các thanh thiếu niên đánh giá những dịch vụ AI như vậy là hữu ích khi giải quyết căng thẳng, cô đơn hoặc các vấn đề cá nhân. Một yếu tố khác khiến những người trẻ tuổi dùng ứng dụng AI nhiều hơn có thể chỉ đơn giản là do họ tiếp cận công nghệ này nhiều hơn so với các lứa tuổi khác. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy 95% thanh thiếu niên và 84% những người ở độ tuổi 20 đã sử dụng chatbot ChatGPT, cao hơn so với mức trung bình chung chỉ là 71,3%.
Có một số bằng chứng khoa học cho thấy trò chuyện với AI có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tâm thần. Tiêu biểu như nghiên cứu của Viện Khoa học & Công nghệ Quốc gia Ulsan và công ty khởi nghiệp AI ScatterLabs của Hàn Quốc vào tháng 1/2025. Nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng tương tác thường xuyên với chatbot AI Luda Lee 2.0 của ScatterLabs (ra mắt năm 2022) giúp giảm trung bình 15% mức độ cô đơn và giảm 18% mức độ lo lắng xã hội của người dùng.
Dù có những yếu tố tích cực như vậy, nhưng 69,6% người được hỏi cho biết họ không hoàn toàn tin tưởng thông tin do AI tạo ra. 83% nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra thông tin đầu ra của AI. Khoảng 81,2% bày tỏ lo ngại về rủi ro deepfake giả mạo video-hình ảnh, trong khi 79% lo ngại về các vấn đề bản quyền liên quan đến nội dung do AI tạo ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!