Indonesia và Apple Inc. đã đạt được thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm đối với iPhone 16, chấm dứt cuộc giằng co kéo dài năm tháng. Theo Bloomberg, thỏa thuận này buộc Apple phải nâng mức cam kết đầu tư tại Indonesia lên 1 tỷ USD.
Bộ Công nghiệp Indonesia, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi lệnh cấm, dự kiến sẽ ký một biên bản ghi nhớ với Apple ngay trong tuần này. Sau đó, bộ này sẽ tổ chức họp báo và nhanh chóng cấp phép cho iPhone 16 được bán tại thị trường Indonesia.
Lệnh cấm iPhone 16 xuất phát từ việc Indonesia không cấp phép cho mẫu điện thoại mới của Apple, do hãng không đáp ứng các yêu cầu sản xuất nội địa đối với smartphone và máy tính bảng. Để tháo gỡ vướng mắc, Apple đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Indonesia, một đề nghị được Tổng thống Prabowo Subianto chỉ đạo các bộ trưởng chấp thuận. Tuy nhiên, vào tháng trước, Bộ Công nghiệp vẫn giữ nguyên lệnh cấm khi yêu cầu thêm những điều khoản có lợi hơn.
Bên cạnh khoản đầu tư 1 tỷ USD, Apple sẽ triển khai các chương trình đào tạo nhân lực Indonesia trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) để hỗ trợ họ thiết kế và phát triển phần mềm, cũng như các sản phẩm công nghệ riêng. Động thái này nhằm đáp ứng yêu cầu của chính phủ Indonesia về việc Apple phải thành lập các trung tâm R&D trong nước. Các chương trình này sẽ được triển khai tách biệt với hệ thống Apple hiện có.
Dù đạt thỏa thuận về việc dỡ bỏ lệnh cấm, các nguồn tin lưu ý rằng Indonesia từng có tiền lệ thay đổi quyết định vào phút chót, nên vẫn có khả năng thỏa thuận bị trì hoãn hoặc đổ vỡ.
Cả Apple và Bộ Công nghiệp Indonesia đều chưa đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này.
Bất chấp những trở ngại, các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn tiến triển tích cực. Tuần trước, Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita thông báo Apple đã thanh toán khoản nợ 10 triệu USD cho chính phủ Indonesia, liên quan đến việc không tuân thủ các quy định sản xuất nội địa từ năm 2020 đến 2023.
Khoản đầu tư 1 tỷ USD của Apple bao gồm kế hoạch xây dựng một nhà máy trên đảo Batam để sản xuất AirTags – thiết bị định vị giúp người dùng theo dõi hành lý, vật nuôi hoặc tài sản cá nhân. Nhà máy này sẽ do Luxshare Precision Industry Co., một trong những đối tác sản xuất lớn của Apple, vận hành và dự kiến cung cấp 20% sản lượng AirTags toàn cầu.
Ngoài ra, Apple cũng sẽ đầu tư vào một cơ sở sản xuất phụ kiện khác tại Bandung, cách Jakarta khoảng ba giờ di chuyển, đồng thời tiếp tục mở rộng hệ thống học viện Apple để đào tạo kỹ năng công nghệ như lập trình cho sinh viên.
Thỏa thuận này là một thành công lớn đối với chính phủ Indonesia khi buộc một tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ phải tăng cường đầu tư vào sản xuất và phát triển trong nước, thay vì chỉ coi Indonesia là thị trường tiêu thụ. Trước đây, Apple chỉ mới đầu tư khoảng 95 triệu USD vào quốc gia này.
Bên cạnh đó, thỏa thuận đạt được vào thời điểm quan trọng đối với Tổng thống Prabowo Subianto. Việc một công ty công nghệ hàng đầu nhượng bộ trước chính quyền của ông có thể giúp củng cố hình ảnh trong nước, nhất là trong bối cảnh ông đang đối mặt với chỉ trích về các chính sách kinh tế và cắt giảm ngân sách.
Đối với Apple, thỏa thuận này giúp hãng mở rộng thị trường tại Indonesia – một quốc gia với 278 triệu dân, trong đó hơn một nửa dưới 44 tuổi và có xu hướng ưa chuộng công nghệ. Dù hiện tại Apple chưa nằm trong top 5 thương hiệu smartphone phổ biến nhất tại Indonesia, nhưng tiềm năng tăng trưởng của thị trường này là rất lớn, đặc biệt khi doanh số tại Trung Quốc đang chững lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!