DeepSeek: Từ cơn sốt công nghệ đến tâm điểm chỉ trích về bảo mật dữ liệu

Tuấn Anh-Thứ hai, ngày 24/02/2025 12:11 GMT+7

DeepSeek: Từ đột phá công nghệ đến mục tiêu trấn áp của các chính phủ (Ảnh: AFP)

bangdatally.xyz - Từng khiến Thung lũng Silicon chao đảo, "cơn địa chấn" DeepSeek giờ đây đối mặt làn sóng cấm từ hàng loạt quốc gia.

DeepSeek, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI, được thành lập vào tháng 5/2023 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Người sáng lập DeepSeek là Liang Wenfeng (sinh năm 1985), tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử và Truyền thông tại Đại học Chiết Giang.

Hồi tháng 1 vừa qua, DeepSeek thu hút sự chú ý trong giới công nghệ khi ra mắt mô hình AI DeepSeek-V3 miễn phí, cùng phiên bản DeepSeek-R1 có tính năng tương tự ChatGPT - mô hình AI tạo sinh của OpenAI. Công nghệ này được đánh giá là có chi phí phát triển thấp hơn đáng kể so với các mô hình AI khác, sử dụng chip ít phức tạp hơn nhưng vẫn đạt hiệu suất tương đương với các sản phẩm của các công ty tiên phong tại Mỹ.

Trong khi các "ông lớn" như OpenAI, Microsoft và Nvidia đang tập trung vào Stargate - dự án hạ tầng AI trị giá 500 tỷ USD của Mỹ, được Tổng thống Donald Trump công bố ngày 21/1 - sự xuất hiện của DeepSeek tạo ra một bước ngoặt bất ngờ, buộc giới công nghệ phải đánh giá lại tham vọng này. Các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi liệu ngành AI có thực sự cần những khoản đầu tư khổng lồ hay không, khi một startup như DeepSeek vẫn có thể bứt phá dù bị hạn chế về nguồn lực và chip.

DeepSeek: Từ cơn sốt công nghệ đến tâm điểm chỉ trích về bảo mật dữ liệu - Ảnh 1.

Chỉ mới thành lập hơn một năm, DeepSeek đã tạo nên "cơn địa chấn" tại Thung lũng Silicon (Ảnh: AFP)

Rủi ro bảo mật lớn

Sự trỗi dậy nhanh chóng của DeepSeek trong thời gian ngắn đã khiến các chuyên gia AI toàn cầu bất ngờ. Dù vẫn còn nhiều hoài nghi, khi một số ước tính cho rằng công ty Trung Quốc có thể đã hạ thấp chi phí thực tế xuống còn hàng trăm triệu USD, nhưng khó ai có thể phủ nhận sức nóng của DeepSeek. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại không phải là nguồn kinh phí để phát triển mô hình AI này, mà là nguy cơ người dùng "đang tự đặt mình và quyền riêng tư của họ vào tình thế nguy hiểm".

Những lo ngại về bảo mật đã nhanh chóng đẩy DeepSeek vào tâm điểm chỉ trích từ giới chuyên gia và cơ quan quản lý trên toàn cầu. Theo ông Dewardric McNeal, Giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích chính sách cấp cao tại công ty quản lý rủi ro Longview Global, lượng dữ liệu và thông tin mà các đối tượng xấu có thể thu thập từ DeepSeek cao gấp 20 lần so với công cụ tìm kiếm Google.

Công ty bảo mật di động NowSecure phát hiện DeepSeek đã vô hiệu hóa App Transport Security (ATS) - cơ chế bảo vệ mặc định của Apple giúp đảm bảo dữ liệu chỉ được truyền qua các kênh mã hóa an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu người dùng có thể bị gửi qua kết nối không bảo mật, tạo kẽ hở cho hacker hoặc bên thứ ba thu thập và phân tích trái phép.

Đáng lo ngại hơn, DeepSeek vẫn sử dụng thuật toán mã hóa 3DES - công nghệ đã lỗi thời và không còn được đánh giá là an toàn. Trong khi hầu hết nền tảng hiện nay đã chuyển sang AES, một chuẩn mã hóa mạnh hơn, DeepSeek vẫn duy trì phương thức cũ, làm gia tăng nguy cơ dữ liệu bị giải mã trái phép.

DeepSeek: Từ cơn sốt công nghệ đến tâm điểm chỉ trích về bảo mật dữ liệu - Ảnh 2.

Những lo ngại về bảo mật đã nhanh chóng đẩy DeepSeek vào tâm điểm chỉ trích từ giới chuyên gia và cơ quan quản lý trên toàn cầu (Ảnh: AFP)

Theo các chuyên gia bảo mật, dữ liệu do DeepSeek thu thập có thể bị lợi dụng để xác định danh tính người dùng, đặc biệt là những cá nhân quan trọng như nhân viên chính phủ hoặc thành viên các tổ chức lớn. Nếu thông tin về thiết bị, vị trí, và lịch sử tương tác bị khai thác, điều này có thể mở ra cánh cửa cho các hoạt động gián điệp hoặc lạm dụng dữ liệu trên quy mô lớn.

Không chỉ đặt ra rủi ro về dữ liệu cá nhân, DeepSeek còn làm dấy lên lo ngại về cuộc đua công nghệ giữa các cường quốc. Giới chuyên gia cảnh báo rằng cách tiếp cận mã nguồn mở của DeepSeek có thể giúp tin tặc xâm nhập chuỗi cung ứng tại Mỹ, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ.

Lệnh cấm siết chặt

Trước những phát hiện này, các nhà lập pháp Mỹ gọi đây là vấn đề "đáng báo động" và yêu cầu cấm ngay lập tức DeepSeek trên tất cả thiết bị thuộc chính phủ.

Theo CNBC, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Hải quân Mỹ, Hạ viện Mỹ và chính quyền bang Texas cũng đã ban hành lệnh cấm nhân viên sử dụng DeepSeek do lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư.

Trong thông báo ngày 1/2 gửi toàn bộ nhân viên, Giám đốc AI của NASA nhấn mạnh rằng, máy chủ của DeepSeek "hoạt động bên ngoài nước Mỹ, làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư". NASA cũng cấm sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của DeepSeek đối với dữ liệu, thiết bị và mạng lưới của cơ quan này.

Trong khi đó, theo AP, Thống đốc bang Texas Greg Abbott đã ban hành lệnh cấm DeepSeek trên các thiết bị do chính phủ cấp. Lệnh cấm cũng áp dụng đối với một số mạng xã hội có nguồn gốc Trung Quốc như Xiaohongshu (RedNote) và Lemon8.

Hải quân Mỹ cuối tháng trước đã gửi email cảnh báo tới toàn bộ nhân sự, yêu cầu không tải, cài đặt và sử dụng DeepSeek cho bất kỳ mục đích nào, dù là công việc hay cá nhân, do lo ngại về bảo mật và các vấn đề đạo đức tiềm ẩn.

Axios ngày 31/1 cũng đưa tin DeepSeek nằm trong diện đánh giá và hiện bị cấm sử dụng trong công việc tại Hạ viện Mỹ. Văn phòng Giám đốc Hành chính Hạ viện Mỹ cảnh báo rằng DeepSeek có thể bị lợi dụng để phát tán mã độc và xâm nhập thiết bị. Nhằm ngăn chặn rủi ro, Hạ viện Mỹ đã hạn chế DeepSeek trên toàn bộ thiết bị cấp phát.

DeepSeek: Từ cơn sốt công nghệ đến tâm điểm chỉ trích về bảo mật dữ liệu - Ảnh 3.

Làn sóng cấm DeepSeek lan rộng khi lo ngại về bảo mật ngày càng gia tăng (Ảnh: AFP)

Không chỉ tại Mỹ, ngày 30/1, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Italy (Garante) đã ra lệnh đình chỉ ứng dụng AI của DeepSeek do công ty này không thể giải trình đầy đủ về cách thức thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân. Garante cho biết, phản hồi của DeepSeek là "hoàn toàn không đầy đủ", do đó, lệnh cấm cần được áp dụng ngay lập tức.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), ngày 1/2, Bộ Kỹ thuật số đã ban hành lệnh cấm các cơ quan chính phủ và cơ sở hạ tầng quan trọng sử dụng DeepSeek do lo ngại rủi ro an ninh thông tin quốc gia.

Ngày 5/2, Australia cũng đã "cấm cửa" DeepSeek trên toàn bộ thiết bị thuộc hệ thống chính phủ. Bộ Nội vụ nước này ban hành chỉ thị yêu cầu xóa bỏ và chặn hoàn toàn việc sử dụng, cài đặt các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ web của DeepSeek trên mọi hệ thống chính phủ. Bộ trưởng Nội vụ Australia Tony Burke khẳng định, lệnh cấm "nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia".

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc mới đây đã đưa ra thông báo tạm thời chặn nhân viên truy cập mô hình AI của DeepSeek do lo ngại về an ninh. Trước đó, chính phủ nước này đã yêu cầu các bộ ban ngành thận trọng trong việc sử dụng dịch vụ AI, bao gồm cả DeepSeek và ChatGPT, tại nơi làm việc. Doanh nghiệp nhà nước Korea Hydro & Nuclear Power đầu tháng này cũng thông báo cấm sử dụng các dịch vụ AI, bao gồm cả DeepSeek. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chặn quyền truy cập DeepSeek trên các máy tính sử dụng cho mục đích quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lee Jae Woong cho biết: "Bộ chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, với các bộ phận liên quan tiến hành xem xét lại vấn đề an ninh tổng thể liên quan đến DeepSeek".

Dù đối mặt với lệnh cấm và hạn chế tại nhiều quốc gia, độ nổi tiếng của DeepSeek vẫn không giảm. Theo CNBC, nhiều người Mỹ đang tranh thủ tải DeepSeek để trải nghiệm sức mạnh thực sự của ứng dụng AI này. Lượng người tải tăng vọt giúp DeepSeek giữ vững ngôi vị số 1 trên App Store vào tuần trước. Việc tải này chủ yếu nhằm tranh thủ trước khi các lệnh cấm có thể có hiệu lực tại một số bang.

Mặc dù khả năng đổi mới mà DeepSeek mang lại cho ngành AI là không thể phủ nhận, nhưng vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của người dùng đang trở thành một thách thức lớn và cần được ưu tiên hàng đầu. Các chuyên gia cảnh báo người dùng không nên sử dụng ứng dụng DeepSeek cho các công việc liên quan đến thông tin cá nhân hoặc dữ liệu nhạy cảm. Khi các cuộc điều tra về bảo mật và quyền riêng tư vẫn đang tiếp diễn, những nguy cơ tiềm ẩn tàng từ DeepSeek vẫn chưa dừng lại.

Những “bộ não” đằng sau DeepSeek Những “bộ não” đằng sau DeepSeek

bangdatally.xyz - DeepSeek, công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc, đang gây bão thế giới với sự trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng đội ngũ sáng lập của họ vẫn là một ẩn số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước