Thiết bị e-Taste cho phép người dùng có thể cảm nhận vị giác trong môi trường thực tế ảo (Ảnh: NewScientist)
Hãy tưởng tượng bạn không chỉ nhìn thấy một miếng bánh trong thế giới ảo mà còn có thể nếm được vị của nó. Các nhà nghiên cứu đã tiến gần hơn đến viễn cảnh này khi phát minh ra một thiết bị có khả năng tạo ra vị ảo bằng cách phun hóa chất lên lưỡi.
Thiết bị mang tên "e-Taste", có thể phát hiện các hóa chất trong thực phẩm và truyền thông tin này đến một thiết bị kết nối không dây, từ đó phân phối các hóa chất tương tự và phun lên lưỡi người dùng.
Thiết bị sử dụng 5 loại hóa chất ăn được: glucose tạo vị ngọt, axit citric tạo vị chua, natri clorua tạo vị mặn, magie clorua tạo vị đắng và glutamate tạo vị umami - vị ngọt của thịt. Các hóa chất này được trộn vào gel bên trong thiết bị và được pha trộn trong các kênh siêu nhỏ. Một bơm điện từ sẽ đưa hỗn hợp đến lưỡi thông qua một ống dẫn mềm, dạng ruy băng đặt trong miệng.
Theo báo cáo công bố trên tạp chí Science Advances, bằng cách kết hợp các hóa chất khác nhau, thiết bị có thể tái tạo nhiều hương vị, từ bánh ngọt cho đến cà phê.
Yizhen Jia - kỹ sư vật liệu tại Đại học Bang Ohio - cho biết: "Đây là bước tiến quan trọng trong phát triển thế hệ tiếp theo của giao diện người - máy và thực tế ảo".
Để đánh giá e-Taste, Jia và các đồng nghiệp đã cho 10 người tham gia phân biệt 5 mức độ vị chua khác nhau do thiết bị tạo ra. Sau đó, nhóm nghiên cứu tạo ra 5 hương vị phức hợp, bao gồm: nước chanh, bánh ngọt, trứng rán, súp cá và cà phê. Có 6 người tham gia nhận biết các hương vị này với độ chính xác tổng thể lên tới gần 87%. Một số hương vị như nước chanh và bánh ngọt thường dễ nhận biết hơn so với các hương vị khác như trứng rán.
Trước đó, một số nghiên cứu đã được tiến hành để mô phỏng vị giác trong thế giới ảo, ví dụ như thông qua kích thích điện lên lưỡi. Tuy nhiên, theo Nimesha Ranasinghe, nhà khoa học máy tính tại Đại học Maine ở Orono, chúng ta vẫn chưa hiểu hoàn toàn cách thức hoạt động của lưỡi và cảm nhận vị giác.
"Vị giác và khứu giác, với tư cách là các cảm biến hóa học, rất khó tái tạo" - nhà khoa học này nhấn mạnh.
Hiện tại, sử dụng hóa chất được cho là có thể tạo ra nhiều loại vị hơn so với kích thích điện. Tuy nhiên, chỉ có vị thôi thì chưa đủ. Ví dụ như cà phê phải đi kèm với mùi hương và cảm giác của cà phê.
"Chỉ đưa hóa chất lên lưỡi sẽ không thể so sánh được với trải nghiệm thực tế" - Jia cho biết.
Để khắc phục điều này, Jia và các đồng nghiệp đang nỗ lực tích hợp khứu giác bằng cách sử dụng cảm biến khí và học máy. Nhóm nghiên cứu hướng đến các ứng dụng trong trò chơi thực tế ảo và đi xa hơn nữa là phục hồi giác quan, ví dụ như cho những người mất vị giác do COVID-19.
Trở ngại lớn nhất của nghiên cứu là mức độ sẵn sàng của người dùng khi phải đeo một thiết bị phun hóa chất lên lưỡi. Các nhà khoa học sẽ cố gắng cải thiện vấn đề này trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!