Ngày 1/2, trong phiên "Ask Me Anything" trên Reddit, CEO Sam Altman cho biết OpenAI đang "đi ngược lại lịch sử" khi xem xét khả năng công khai các nghiên cứu về AI của mình. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này và cho biết đây là một chủ đề đang được thảo luận nội bộ tại OpenAI.
"Cá nhân tôi nghĩ chúng tôi đã đi sai hướng trong lịch sử và cần tìm ra một chiến lược mã nguồn mở khác. Không phải ai ở OpenAI cũng đồng ý với quan điểm này và đây cũng không phải là ưu tiên hàng đầu hiện tại của chúng tôi," ông Altman cho biết.
Sự thay đổi suy nghĩ tại OpenAI diễn ra trong bối cảnh công ty này đang chịu sức ép mạnh mẽ từ công ty AI mới nổi của Trung Quốc, DeepSeek. DeepSeek đã thu hút sự chú ý gần đây với chatbot AI R1 hứa hẹn có chi phí thấp và hiệu suất cao. DeepSeek tuyên bố dự án của họ là "mã nguồn mở" và hướng đến cộng đồng, điều này trái ngược với các giải pháp "đóng" của OpenAI và Google.
Thuật ngữ "mã nguồn mở" (open source) xuất hiện từ khi lĩnh vực phần mềm ra đời, trong đó phần mã nguồn của một hệ thống được phát hành công khai trên các nền tảng chia sẻ, có thể truy cập rộng rãi, bất kỳ ai cũng có thể nghiên cứu, sửa đổi và phát triển ứng dụng trên đó.
Meta của Mỹ, DeepSeek của Trung Quốc và Mistral tại Pháp đều đang đi theo hướng này. Giám đốc AI của Meta Yann LeCun cho biết ý nghĩa lớn nhất từ thành công của DeepSeek là cho thấy giá trị của mô hình AI mã nguồn mở so với mô hình độc quyền. Các mô hình Llama của Meta hiện chủ yếu là mã nguồn mở, cho phép truy cập miễn phí vào các chi tiết quan trọng, giúp các nhà phát triển và công ty khác tùy chỉnh mô hình để sử dụng cho mục đích riêng.
Khi một thành viên trên Reddit hỏi ông Altman liệu DeepSeek có ảnh hưởng đến kế hoạch của OpenAI trong tương lai hay không, ông nhận xét: "Đây là một mô hình rất tốt." Ông cũng cho biết OpenAI sẽ phát triển những mô hình tốt hơn nhưng không thể duy trì vị thế dẫn đầu như trong những năm trước.
Dù có tên là OpenAI, công ty hiện chọn cách tiếp cận khép kín với hầu hết các giải pháp mang tính độc quyền và tính phí truy cập.
Theo Business Insider, từ tháng 11/2019 trở về trước, OpenAI vẫn công khai GPT và GPT-2. Tuy nhiên, sau đó, công ty chọn con đường tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, từ đó "đóng" mã nguồn của các mô hình AI như GPT-4 và OpenAI o1.
Ông Altman khi đó cho biết dù không hoàn toàn mã nguồn mở, OpenAI vẫn "mở" theo một số cách khác, như cung cấp phiên bản miễn phí cho công chúng. "Nếu chúng tôi có thể tiếp tục đưa các AI mạnh mẽ dưới dạng miễn phí hoặc chi phí thấp ra thế giới, tôi nghĩ đó cũng là cách chúng tôi hoàn thành sứ mệnh ban đầu," ông Altman nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!