Theo báo cáo của hãng nghiên cứu bảo mật Kaspersky, trong hai năm 2023 và 2024 sự gia tăng của các vụ lừa đảo qua email do các đối tượng người Nigeria nhắm đến người dùng tại Việt Nam đã lên mức đáng báo động, với hơn 5.260 vụ việc được phát hiện.
Chiêu trò của những kẻ lừa đảo là sử dụng email với nội dung chào mời kiếm tiền dễ dàng, hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ để dụ dỗ nạn nhân gửi trước một khoản phí, mà theo chúng đây là chi phí pháp lý hoặc phí đi lại.
Đặc biệt, những kẻ lừa đảo còn thực hiện các chiêu "lừa tình" tinh vi bằng cách kết nối và tạo dựng mối quan hệ tình cảm trên mạng, sau đó yêu cầu nạn nhân thanh toán chi phí đi lại để gặp mặt.
Một thủ đoạn khác là sau khi đã tạo dựng được mối quan hệ với nạn nhân, những kẻ lừa đảo giả vờ đề nghị gửi một món quà đắt tiền cho đối phương nhưng yêu cầu người nhận thanh toán phí vận chuyển vì chúng không đủ khả năng chi trả.
Thậm chí, những kẻ lừa đảo còn gửi email đến nạn nhân, giả danh mình là thành viên của hội kín Illuminati, tuyên bố sẵn sàng chia sẻ quyền lực và tài sản nếu người nhận đồng ý gia nhập tổ chức bằng cách phản hồi email.
Theo Kaspersky, điểm chung của các vụ lừa đảo là đều yêu cầu nạn nhân phải thanh toán trước một khoản phí nào đó. Ngay sau khi nhận được những khoản tiền từ nạn nhân, chúng sẽ biến mất và cắt đứt mọi liên hệ để chiếm đoạt tài sản.
Chuyên gia của Kaspersky cho rằng, những chiêu trò lừa đảo này không mới nhưng vẫn khiến không ít người mắc bẫy. Để tăng độ tin cậy với nạn nhân, kẻ lừa đảo không ngừng điều chỉnh chiến thuật, tận dụng các sự kiện toàn cầu và tin tức mới nhất hay cả những bi kịch cá nhân nhằm thao túng tâm lý đối phương.
Kaspersky cho biết, trong tương lai, những chiêu trò lừa đảo này sẽ ngày càng tinh vi và có thể trở nên khó phát hiện hơn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và cải thiện kỹ năng an toàn số để nhận diện và chống lại những thủ đoạn thao túng này.
Để bảo vệ bản thân khỏi những chiêu trò lừa đảo thao túng tâm lý, các chuyên gia của Kaspersky khuyến nghị, người dùng cần phải luôn cảnh giác trước những lời đề nghị hấp dẫn và thận trọng với các email, tin nhắn tự xưng được gửi từ cá nhân có tầm ảnh hưởng. Tốt nhất, không nên trả lời những email, tin nhắn từ các địa chỉ hoặc người liên lạc không được xác minh.
Nếu bắt buộc phải trao đổi với một người lạ, người dùng hãy kiểm tra kỹ thông tin trong email, tin nhắn trước khi trả lời, đặc biệt chú ý đến các điểm bất thường như lỗi chính tả, ngữ pháp, hoặc chi tiết không hợp lý. Nếu địa chỉ phản hồi khác với địa chỉ người gửi hoặc xuất hiện một địa chỉ khác trong nội dung email, đó có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo.
Nếu email hoặc tin nhắn được gửi đến từ người gửi có vẻ hợp pháp nhưng nội dung có dấu hiệu bất thường, người dùng hãy xác minh lại thông tin qua một kênh liên lạc khác trước khi phản hồi.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dùng hãy uôn sử dụng các phần mềm, giải pháp bảo mật đáng tin cậy khi lướt web, truy cập mạng xã hội. Dựa trên dữ liệu về mối đe dọa an ninh mạng từ các nguồn quốc tế, các công cụ này có thể phát hiện và ngăn chặn các chiến dịch lừa đảo trực tuyến một cách hiệu quả.
Giả danh "người thứ ba" lừa đảo qua Zalo bangdatally.xyz - Công an phường Vĩnh Tuy (Hoàng Mai, Hà Nội) đã gửi thông báo qua các nhóm Zalo cộng đồng về chiêu thức lừa đảo mới là giả danh "người thứ ba" gửi link video chứa mã độc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!