Những chiếc áo "made in Việt Nam" được bán ở thị trường Mỹ. Rồi giầy dép Việt Nam, cá da trơn của Việt Nam, hạt cà phê, hạt điều Việt Nam, các sản phẩm gỗ của Việt Nam,…đơn hàng xuất khẩu của của Việt Nam sang Mỹ không ngừng tăng lên và ngày càng phong phú. Tổng kim ngạch thương mại Việt – Mỹ tăng theo từng năm. Đó thực sự là những "mùa vui"
Đã 24 năm kể từ ngày bắt đầu tiếp cận thị trường Mỹ, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 vẫn nhớ như in cảm giác khi nhận tin một đơn hàng của công ty bị đối tác Mỹ thuộc hàng lớn nhất lúc đó trả lại vì lý do… bị "mốc" vào năm 2010.
"Trước khi chúng tôi giao hàng cho hãng tàu của khách, bao giờ cũng có khâu kiểm tra chất lượng nhưng sau 1 tháng hàng đến Mỹ, khách có viết thư khiếu nại với chúng tôi là có phát sinh… mốc ở trong sản phẩm. Việc này khá bất ngờ, đích thân tôi, khi đó mới là giám đốc bán hàng xuất khẩu, phải bay sang Mỹ để giải quyết. Lý do thì rất đơn giản thôi, thời điểm sau Tết Nguyên đán, độ ẩm trong không khí rất cao, đơn hàng cũng được sản xuất tương đối gấp. Chúng tôi phải đối mặt với vụ phạt lên 200.000 USD cho 10 ngàn sản phẩm chúng tôi xuất khẩu sang Mỹ. Chúng tôi không chỉ phải trả những giá thành mà chúng tôi bán cho họ và còn phải trả cả những phí tổn thất mà khách bị thiệt hại do không có đơn hàng để bán", ông Thân Đức Việt kể lại.
Theo ông Việt, về nguyên tắc, May 10 sẽ bị phạt nhưng do quan hệ tốt với đối tác đã có thời gian làm việc lâu dài, qua quá trình đàm phán, khắc phục như tháo sản phẩm, giặt là, xử lý lại, công ty đã giảm khoảng trên 90% số tiền phạt. Từ Việt Nam bay tận nơi để giải quyết vụ việc, thêm một bài học được ông Việt rút ra là, với thị trường Mỹ, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, độ an toàn của sản phẩm là rất cao so với các thị trường khác.
Kể lại kỷ niệm từ cách đây 15 năm, ông Việt cho biết, đây là một trong vô số bài học mà bản thân ông và công ty May 10 đã học được từ các đối tác Mỹ. Hành trình bắt đầu khai phá thị trường 300 triệu dân từ đầu những năm 2000 đã giúp bản thân doanh nghiệp trong nước "trưởng thành hơn" trước vô vàn thách thức.
"Để làm quen với nhau cho một đơn hàng phải mất thời gian ít nhất khoảng 6 tháng. Sau đó mới có thể trở thành đối tác, đặt hàng thường xuyên của nhau. Kể cả khi trở thành đối tác đặt hàng thường xuyên nhưng nếu không duy trì được sự cạnh tranh về giá, về sản phẩm, chất lượng thì ngay lập tức khách hàng Mỹ có thể đi đến những nơi có sự cạnh tranh tốt hơn", ông Việt nói.
Quá trình thâm nhập thị trường gian nan đòi hỏi các doanh nghiệp như May 10 phải vượt qua những "bài test" (bài kiểm tra) vô cùng khắt khe từ đáp ứng đầy đủ điều kiện tối thiểu về môi trường làm việc cho người lao động đến năng lực sản xuất, rồi hàng loạt rào cản thuế quan và phi thuế thuế quan của thị trường.
"Vào năm 2001, May 10 có khoảng 5.000 lao động và đến thời điểm hiện tại chúng tôi có đến 13.000 người. Chúng tôi đã tăng hơn 2 lần về lực lượng sản xuất để đáp ứng yêu cầu về quy mô cho các đơn hàng tại thị trường Mỹ", ông Thân Đức Việt nói. Cùng với thay đổi về quy mô sản xuất, quy trình sản xuất cũng liên tục được cập nhật để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của một trong những thị trường khó tính hàng đầu.
"Vào năm 2001, May 10 có khoảng 5.000 lao động và đến thời điểm hiện tại chúng tôi có đến 13.000 người.
Và thành quả cho những nỗ lực này đã được đền đáp xứng đáng, theo ông Thân Đức Việt, kết thúc năm 2024, tổng doanh thu xuất khẩu công ty khoảng 170 triệu USD. Riêng thị trường Mỹ chiếm đến 110 triệu USD, tương đương 66% doanh thu xuất khẩu của May 10.
May 10 chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ cho sự thành công sau 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Khởi đầu từ 451 triệu USD vào năm 1995, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã nhanh chóng vượt mốc 100 tỷ USD/năm vào năm 2021 với 111,55 tỷ USD (gấp 247,3 lần). Năm 2022-2023, Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ vào năm 2022.
Trong năm 2024, tổng kim ngạch thương mại Việt - Mỹ lên tới 134,6 tỷ USD. Tại đây, Việt Nam xuất hàng tỷ USD máy vi tính, máy móc, hàng dệt may… sang thị trường Mỹ. Theo chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập hàng tỷ USD điện tử linh kiện, thiết bị dụng cụ, thức ăn gia súc… từ Mỹ.
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, đã nhấn mạnh tính "bổ sung cho nhau" trong mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ông lấy ví dụ về sự phổ biến của hàng hóa và công nghệ Mỹ tại Việt Nam: "Khi vào các hàng quán, những chai Pepsi hay Coca Cola xuất hiện trên bàn ăn gần như là điều quá đỗi bình thường. Tỷ lệ dùng iPhone hay số lượng tài khoản Facebook, Netflix… xuất hiện trên các thiết bị của người dùng Việt".
Trong tương lai, Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng thương mại với Mỹ hơn nữa thông qua việc mua hàng tỷ USD khí LNG, máy bay và hợp tác trong các dự án ethanol. Người dùng Việt Nam cũng sắp có cơ hội trải nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink. Ngược lại, Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, nhập khẩu hàng tỷ USD thủy sản, giày dép, dệt may.
Rõ ràng, việc bình thường hóa quan hệ đang đem lại nhiều mùa vui cho cả Mỹ và Việt Nam trên bình diện kinh tế, thương mại. Các mùa vui này sẽ còn tiếp tục khi hai bên không ngừng gia hạn cho nhau quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn.
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Tuy nhiên, sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn về kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế trong suốt một thập kỷ sau chiến tranh diễn ra chậm chạp và kém hiệu quả, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bình quân chỉ đạt 4,65% mỗi năm trong giai đoạn 1977 - 1985. Tình trạng khan hiếm hàng hóa và lạm phát ngày càng trầm trọng, với chỉ số giá bán lẻ tăng trung bình 39,53%/năm trong giai đoạn 1976 - 1985.
Chiến tranh đã để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam. Sự hỗ trợ quốc tế trở nên vô cùng cần thiết, nhưng Việt Nam lại phải đối mặt với lệnh cấm vận kéo dài từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam phải căng mình với các chiến dịch quân sự bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc, rồi sự kiện Liên Xô sụp đổ...
Việt Nam đã bắt đầu công cuộc Đổi Mới từ năm 1986. Một trong những nội hàm quan trọng của sự nghiệp này là hội nhập quốc tế. Nhưng để hội nhập được, yêu cầu đầu tiên là phải bình thường hóa quan hệ với các nước đã từng đối đầu với Việt Nam, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp… Và đương nhiên là có Mỹ. Đó đều là những nước lớn và có ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế. Nói chữ như nhạc sỹ Văn Cao, có thể gọi đó là nhiệm vụ khôi phục những "mùa bình thường" của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại.
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh:
Quá trình bình thường hóa giữa Việt Nam và Mỹ khởi sự từ hoạt động nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh. Sau rất nhiều cuộc tiếp xúc song phương không chính thức, chính thức, các cuộc đàm phám ở nhiều cấp, của nhiều bộ, ngành, đến ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đến ngày 12/7, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đó thực sự là những dấu mốc lịch sử, mở ra những "mùa bình thường, mùa vui" cho cả hai dân tộc.
Ông Phạm Quang Vinh nhấn mạnh: "Lần đầu tiên chúng ta phá được thế bao vây, cấm vận và có quan hệ ngoại giao đầy đủ với khu vực và các nước lớn, tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế. Quan hệ song phương với Mỹ đã tạo đà và thế chính trị để chúng ta mở rộng quan hệ với quốc tế. Về kinh tế, cùng với việc tham gia ASEAN và ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Mỹ, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ và chủ động hơn".
Nhìn lại chiều dài lịch sử giữa 2 nước, khi đề cập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam và Mỹ hiện nay, Tổng bí thư Tô Lâm đã nói: …"Hai bên đã cùng chung tay tạo nên một điểm nhấn lịch sử về một hình mẫu trong quan hệ quốc tế, ví như một bức tranh đẹp được dệt nên bởi sự đóng góp, công lao của nhiều người, cả những nhà lãnh đạo tiêu biểu và cả những người âm thầm mà chưa được biết hết mặt, thuộc hết tên"...
50 năm sau chiến tranh, những nỗ lực của Việt Nam trong bình thường hóa quan hệ đối ngoại, dù là theo hướng kết nối lại sau một thời gian gián đoạn do chiến tranh, hay theo hướng khôi phục sau một thời gian đối đầu, đã đem lại cho Việt Nam nhiều thành tựu toàn diện to lớn, không chỉ trên bình diện kinh tế mà cả trên bình diện chính trị.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định: …"Chúng ta hội nhập kinh tế rồi hội nhập sâu rộng trên mọi mặt. Chính sách đối ngoại của Việt Nam không chỉ nêu cao chủ trương nhất quán về độc lập dân tộc, hòa bình, hợp tác cùng phát triển mà còn nhấn mạnh vai trò là bạn, là thành viên có trách nhiệm và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế".
Với phương châm "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai", kiên định nguyên tắc hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, vì độc lập chủ quyền và hòa bình phát triển, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 194 quốc gia, trong đó có 12 đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; tham gia vào hơn 200 tổ chức kinh tế, diễn đàn chính trị thế giới…
Cách đây 5 thập kỷ, thế giới biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Vượt qua những đau thương mất mát, đất nước ta đã trỗi dậy mạnh mẽ, từng bước xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định vả phát triển. Việt Nam được biết đến như một quốc gia đổi mới thành công, tích cực hội nhập và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Năm 2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, 192 trên tổng số 193 phiếu.
Là Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc thời điểm đó, PGS.TS Đặng Đình Quý, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã chia sẻ về góc nhìn của thế giới đối với Việt Nam ngày nay trong cuộc trao đổi với VTV Times: "Cộng đồng quốc tế rất coi trọng chúng ta. Họ coi trọng chúng ta về lịch sử đấu tranh hào hùng và cũng vì những thành tựu trong công cuộc Đổi mới và chính sách đối ngoại có nguyên tắc. Các nước phương Tây nhìn nhận chúng ta là một quốc gia đang nổi lên, đang hội nhập thành công, đóng góp nhiều hơn vào công việc chung của thế giới. Các nước bạn bè truyền thống cũng đặt nhiều kỳ vọng và mong muốn Việt Nam sẽ phát huy vai trò nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hỗ trợ nhau cùng phát triển".
Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần và trách nhiệm của một thành viên tích cực. Nhiều văn kiện mang dấu ấn Việt Nam đã được thông qua như Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho dân thường trong xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, sáng kiến của chúng ta về thảo luận "Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" đã làm nên kỷ lục trong lịch sử 75 năm LHQ với 111 bài phát biểu kéo dài trong 3 ngày.
Với vai trò là nước phụ trách vấn đề Nam Sudan tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thể hiện tinh thần bạn bè, sự thấu hiểu và chia sẻ, nhận được sự trân trọng từ chính Nam Sudan, các nước châu Phi và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an. Đặc biệt, hình ảnh những người lính mũ nồi xanh mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, đẹp đẽ trong lòng bạn bè quốc tế.
Sự hiện diện ngày càng chủ động và bản lĩnh của Việt Nam trên các mặt trận ngoại giao đa phương không chỉ là biểu hiện sinh động của một quốc gia đang trưởng thành và phát triển mạnh mẽ mà còn góp phần nâng tầm vị thế, lan tỏa hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Trong bối cảnh các nước lớn đang cạnh tranh gay gắt, Việt Nam đang nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần tự lực tự cường như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Ta có mạnh thì họ mới chịu "đếm xỉa đến". Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy".
PGS.TS Đặng Đình Quý nhấn mạnh: "Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để trở nên mạnh mẽ hơn để vươn mình trong kỷ nguyên mới. Cùng với chính sách đối ngoại rộng mở, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, sẽ giúp Việt Nam có một vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế và khu vực".
Sánh vai với các cường quốc năm châu, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên Vươn mình, hứa hẹn rất nhiều "mùa vui" mới ở phía trước cho dân tộc. /.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!