UBTVQH biểu quyết tán thành thông qua 2 Nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
Chiều 6/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua một số Nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 theo thủ tục rút gọn.
Trình bày tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân nhân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, về bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân, “bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân” là tên gọi thể hiện cấp bậc (thứ bậc) của Thẩm phán Tòa án nhân dân tương ứng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật, theo vị trí việc làm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc kinh nghiệm, thời gian làm công tác pháp luật.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ
Phó Chánh án Tòa án nhân nhân tối cao Nguyễn Trí Tuệ nêu rõ, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm 3 bậc:
- Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1 (Thẩm phán sơ cấp chuyển xếp sang): có ở Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); Tòa án quân sự khu vực.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 (Thẩm phán trung cấp chuyển xếp sang): có ở Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh); Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; Tòa án nhân dân cấp huyện; Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực.
- Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 (Thẩm phán cao cấp chuyển xếp sang): có ở Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; Tòa án quân sự Trung ương; Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
Về điều kiện của từng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân, Phó Chánh án Tòa án nhân nhân tối cao nêu rõ, đối với Thẩm phán Tòa án nhân dân không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, điều kiện từng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân được xây dựng theo nguyên tắc:
(1) Thẩm phán Tòa án nhân dân ở bậc cao hơn phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân ở bậc thấp hơn liền kề hoặc người được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân lần đầu nhưng có thời gian công tác pháp luật nhiều năm có thể được xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2, bậc 3 (Tòa án nhân dân tối cao đề xuất người có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm trở lên có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dẫn bậc 2; từ 15 năm trở lên có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3);
(2) có năng lực xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán Tòa án nhân dân tại Tòa án nhân dân tối cao.
Báo cáo tóm tắt thẩm tra Tờ trình và các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của TANDTC quy định 03 bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân (gồm bậc 1, bậc 2, bậc 3). Ủy ban Tư pháp nhận thấy, việc quy định Thẩm phán TAND bậc 1 (tương đương Thẩm phán sơ cấp), Thẩm phán TAND bậc 2 (tương đương Thẩm phán trung cấp), Thẩm phán TAND bậc 3 (tương đương Thẩm phán cao cấp) là phù hợp với thứ bậc của Thẩm phán theo năng lực, trình độ; cơ bản phù hợp với vị trí việc làm của Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án; kế thừa quy định hiện hành và sự tương quan tương đối với các ngạch của các chức danh tư pháp thuộc cơ quan tư pháp khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga
Về điều kiện của từng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân (các Điều 2, 3 và 4), TANDTC đề xuất quy định điều kiện của Thẩm phán TAND bậc 1, bậc 2, bậc 3. Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành các quy định cụ thể về điều kiện của từng bậc Thẩm phán. Đồng thời, đề nghị: (1) Không quy định Chánh án, Phó Chánh án TAND cấp cao, Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương là điều kiện của Thẩm phán TAND bậc 3; (2) Đối với Thẩm phán được bổ nhiệm Chánh án TAND cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực; Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương thì Ủy ban Tư pháp cơ bản nhất trí các chức vụ này là điều kiện của bậc Thẩm phán, nhưng đề nghị bổ sung thêm điều kiện có năng lực xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc tương ứng với từng bậc Thẩm phán.
Tại Phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, gồm:
(1) Nghị quyết về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân;
(2) Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 1212/2016/UBTVQH13 ngày 13 tháng 6 năm 2016 và Nghị quyết số 730/2004/UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn Bảng lương chức vụ, Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!