Tạo hành lang pháp lý để Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 14/03/2025 21:45 GMT+7

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam xuất quân lên đường thực hiện nhiệm vụ của Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA. (Ảnh: TTXVN)

bangdatally.xyz - Chiều 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Xây dựng và triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình

Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc ban hành dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; tiếp tục thể chế hóa quy định tại Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên về tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; khắc phục những hạn chế, bất cập tại Nghị quyết số 130/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.

Tạo hành lang pháp lý để Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc - Ảnh 1.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Mục đích xây dựng Luật là nhằm kịp thời thể chế hoá đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về việc tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.

Việc xây dựng Luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam. Đồng thời bám sát 3 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, gồm: (i) Xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; (ii) Triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; (iii) Bảo đảm nguồn lực; chế độ, chính sách.

Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; đảm bảo nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, bố cục của dự thảo Luật gồm 5 Chương, 29 Điều, trong đó quy định về xây dựng và triển khai lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; về công tác bảo đảm và chế độ, chính sách; quy định hợp tác quốc tế về tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc…

Cần tính toán thêm chính sách đặc thù, vượt trội

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại (UBQPANĐN) cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ).

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định tại Nghị quyết số 130/2020/QH14; cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế về phạm vi lĩnh vực tham gia hoạt động GGHB. Thường trực UBQPANĐN đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung trên, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Tạo hành lang pháp lý để Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới

Liên quan đến nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (Điều 4), tại khoản 2, có ý kiến đề nghị rà soát và bổ sung nội dung về việc tuân thủ "pháp luật nước sở tại" và phù hợp với "pháp luật quốc tế". Tại khoản 4, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung theo hướng mở rộng việc tham gia lực lượng GGHB của LHQ trong trường hợp hỗ trợ các quốc gia khắc phục thiên tai, thảm họa. Do đó, Thường trực UBQPANĐN đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các ý kiến nêu trên, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Điều 8 và Điều 18), Thường trực UBQPANĐN thấy rằng, các quy định của dự thảo Luật là phù hợp, tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với chủ trương đổi mới, tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã tích cực, nỗ lực xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, quá trình chuẩn bị Hồ sơ đầy đủ, đúng tiến độ. Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đã khẩn trương thẩm tra sơ bộ dự án Luật và Bộ Quốc phòng đã có văn bản tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ.

Tạo hành lang pháp lý để Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật này và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại. Dự thảo Luật đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực này cũng như về đổi mới hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với trường hợp chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh và đang vận dụng đối với sĩ quan, lực lượng vũ trang và cán bộ dân sự theo quy định để đảm bảo toàn diện, phù hợp. Đồng thời chú ý làm rõ hơn các nguyên tắc bảo đảm như bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính trong xây dựng, triển khai lực lượng, trong chế độ, chính sách…

Bên cạnh đó, cần rà soát, nghiên cứu quy định về thẩm quyền, còn quy trình và thủ tục nên giao cho Chính phủ quy định để Luật dễ tiếp cận, dễ thực hiện; cần tính toán thêm các chính sách có tính đặc thù, vượt trội cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; rà soát rõ các quy định về đối tượng áp dụng, nhất là đối với cá nhân tham gia lực lượng này.

"Dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Nếu chuẩn bị tốt thì báo cáo Quốc hội cho thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước