Chiều nay, thảo luận phiên toàn thể về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu khẳng định, việc sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 35/102 điều của Luật hiện hành, bao gồm việc làm rõ phạm vi các nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và mức độ chi tiết cần thiết. Các đại biểu bày tỏ quan tâm tới việc phân định rõ thẩm quyền giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Nêu quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, việc sửa đổi luật thể hiện tinh thần mới trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng ngắn ngọn nhưng vẫn đầy đủ, là mô hình mẫu hình để xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
''Nội dung của dự thảo đã thể hiện tinh thần mới của việc xây dựng luật ngắn gọn nhưng đầy đủ những nội dung căn bản, ổn định còn những vấn đề còn có thể thay đổi thì lại giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định là những cái điều luật đã được cô đọng lại'', đại biểu Lê Xuân Thân cho biết.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: ''Thống nhất rất cao với chủ trương phân định rõ thẩm quyền để thực hiện chủ trương, phân cấp phân quyền. Tôi nghĩ rằng chúng ta mạnh dạn nên tăng thêm quyền cho Thường vụ Quốc hội có nghĩa là ở đây bổ sung những quyền hạn, tăng thêm quyền hạn vì hiện nay Quốc hội phải uỷ quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội''.
Nhằm tinh gọn bộ máy, các đại biểu cũng cho ý kiến về đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức của Quốc hội, cũng như quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể đối với cơ cấu tổ chức của một số cơ quan của Quốc hội.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất: ''Tôi để xuất tách bạch vai trò của Tổng thư ký Quốc hội và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo đó đề xuất khoản hai như sau: Tổng thư ký Quốc hội có nhiệm vụ điều phối chương trình làm việc của Quốc hội hỗ trợ đại biểu Quốc hội về kĩ thuật lập pháp và giám sát không kiêm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chịu trách nhiệm về tổ chức quản lý điều hành hoạt động của văn phòng Quốc hội, đồng thời bổ sung quy định về phát ngôn của Quốc hội có thể giao nhiệm vụ này cho một người phát ngôn chính sách thay vì Tổng thư ký Quốc hội".
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong làm luật và sửa đổi luật.
"Dự thảo bổ sung khoản 2 quy định về văn bản Luật như: Luật chỉ quy định vấn đề mang tính ổn định lâu dài, không quy định nội dung về thủ tục hành chính và các nội dung có tính biến động cao. Chúng tôi cho rằng, đây là tiêu chí phân định lập pháp và lập quy, mang kỹ thuật trong xây dựng văn bản. Do đó, đề nghị quy định trong Luật Ban hành VBQPPL chứ không quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nói.
Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan sớm tổng kết việc thi hành Hiến pháp 2013, đánh giá việc thi hành các Luật để điều chỉnh mô hình tổng thể bộ máy Nhà nước phù hợp với Kỷ nguyên mới của dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!