Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.
Sắp xếp lại hệ thống Viện kiểm sát nhân dân
Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
Trình bày Tờ trình dự án luật, ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, hiện nay, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm 4 cấp, phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án nhân dân theo 4 cấp gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (có 3 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao); Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (có 63 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh); Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (có 693 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện) và Viện kiểm sát quân sự các cấp (có 42 Viện kiểm sát quân sự các cấp).
Ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nêu về: (1) Hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp: hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có 3 cấp: Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Kết thúc hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; (2) Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Để thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tại các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; theo đó, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức, sắp xếp lại gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Viện kiểm sát quân sự các cấp; vì vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 để đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất dự thảo Luật gồm 3 điều với các nội dung như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
Trong đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 40 như sau:
"Điều 40. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân
1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).
3. Viện kiểm sát nhân dân khu vực.
4. Viện kiểm sát quân sự các cấp.".
Cân nhắc kỹ lưỡng việc đề xuất tăng từ 19 lên 27 Kiểm sát viên VKSNDTC
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND.
UBPLTP tán thành với dự thảo Luật và đề nghị VKSNDTC tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan trong Luật Tổ chức VKSND hiện hành nhằm thực hiện đầy đủ, đúng đắn yêu cầu của Đảng về hệ thống VKSND có 3 cấp (VKSNDTC, VKSND cấp tỉnh, VKSND khu vực), kết thúc hoạt động của VKSND cấp cao và VKSND cấp huyện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng
Dự thảo Luật quy định số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC không quá 27 người. (Luật Tổ chức VKSND hiện hành quy định không quá 19 người). UBPLTP đề nghị cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng việc đề xuất tăng số lượng từ 19 lên 27 Kiểm sát viên VKSNDTC nhằm đáp ứng việc tăng án ở cấp trung ương do kết thúc hoạt động của TAND và VKSND cấp cao là chưa phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh dồn án lên cấp trên, nhất là dồn án lên cấp trung ương, cùng với các lý do khác đã được nêu cụ thể trong Báo cáo thẩm tra.
Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 3), UBPLTP nhận thấy, quy định của dự thảo Luật về chuyển tiếp việc giải quyết án giữa các cấp tố tụng là rất cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của các cơ quan tiến hành tố tụng, tuy nhiên có sự khác nhau căn bản trong cách xử lý về quy định chuyển tiếp giữa 3 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND quy định điều khoản chuyển tiếp theo hướng dẫn chiếu sang các luật tố tụng; còn dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi) và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND quy định cụ thể việc chuyển tiếp giải quyết án. Ý kiến của Chính phủ thống nhất với phương án xử lý của VKSNDTC. Do chưa có sự thống nhất giữa 3 dự thảo Luật, đề nghị Bộ Công an, VKSNDTC và TANDTC phối hợp chặt chẽ để trình Quốc hội phương án xử lý thống nhất vấn đề này.
Tại phiên thảo luận, các thành viên của UBTVQH đều thống nhất về sự cần thiết ban hành hồ sơ dự án luật và đánh giá hồ sơ đã đảm bảo để trình Quốc hội xem xét nhằm thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong thời gian qua.
Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan nào có thẩm quyền thành lập Viện kiểm sát khu vực để đảm bảo tính thống nhất, tránh tình trạng không đồng nhất giữa Viện kiểm sát, Tòa án và cơ quan điều tra.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận, UBTVQH nhất trí với phạm vi sửa đổi liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân, cơ bản ủng hộ việc tăng số lượng kiểm sát viên VKSNDTC nhưng yêu cầu phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn chỉnh dự án luật và hồ sơ để gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đồng thời Ủy ban Pháp luật và Tư pháp hoàn thiện báo cáo thẩm tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!