Việc hoàn thiện luật sẽ là căn cứ pháp lý để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cũng như phát triển an toàn và bền vững về năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong tương lai.
Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi bao gồm 14 chương, 74 điều, tăng 2 chương so với Luật 2008. Theo đánh giá, sau 17 năm thực hiện, Luật Năng lượng nguyên tử 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp với các yêu cầu, hướng dẫn mới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về an toàn, an ninh, thanh sát…, do vậy cần sửa đổi cho phù hợp.
"Điểm bất cập lớn nhất là mối quan hệ giữa các cơ quan, các bộ, ngành được khắc phục theo tinh thần mới và bổ sung thêm các quy định về thanh tra, kiểm tra an toàn nhà máy điện hạt nhân, sửa đổi các quy định về ứng phó sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân", ông Đinh Ngọc Quang (Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Một số quy định của Luật Năng lượng nguyên tử 2008 cũng thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng, theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ. Quy định về thủ tục cấp phép, triển khai dự án cũng cần sửa đổi.
"Phải quy định cụ thể về các loại giấy phép cho nhà máy điện hạt nhân, từ địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành thử, vận hành chính thức… Đó là những giấy phép rất quan trọng để cho chủ đầu tư biết và hoàn thiện, tránh bị kéo dài thời gian do thủ tục pháp lý của ta làm chậm", PGS.TS. Vương Hữu Tấn (Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) nhận định.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất 4 nhóm chính sách trong xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử để thúc đẩy sự phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt bảo đảm phục vụ kịp thời cho việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bảo đảm an toàn, an ninh, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!