Sau sắp xếp, Quốc hội dự kiến có Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 06/02/2025 18:34 GMT+7

bangdatally.xyz -Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan của Quốc hội dự kiến gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.

Chiều 6/2, tại Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự án Luật.

Sau sắp xếp, Quốc hội dự kiến có Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo

Về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng: (1) xác định cụ thể hơn những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội; (2) quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật, theo đó, luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Đối với các nội dung quản lý nhà nước, các vấn đề, lĩnh vực có tính kiến tạo, phát triển, luật chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng, chiến lược, để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định của luật và tạo điều kiện cho việc thực hiện phân cấp phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp; không quy định các nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ, về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và các nội dung có tính biến động cao. Cách thức quy định này cũng thống nhất với cách thức quy định hiện nay tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.

Về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các cơ quan đều tán thành với nguyên tắc và nội dung phân định thẩm quyền của Hội đồng, Ủy ban như dự thảo Nghị quyết.

Đối với lĩnh vực tôn giáo, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị cân nhắc giao Hội đồng Dân tộc phụ trách lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng để bảo đảm tính cân đối, hài hòa trong nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và tập trung cơ quan đầu mối. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục giao lĩnh vực này cho Ủy ban Văn hóa và Xã hội như trước khi thực hiện sắp xếp.

Về việc thẩm tra điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh đề nghị việc thẩm tra các điều ước quốc tế nên giao cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phụ trách theo lĩnh vực để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Theo đó Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cũng chỉ thẩm tra điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Ban soạn thảo đề nghị tiếp tục giao Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại là cơ quan làm đầu mối chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế như Ủy ban Đối ngoại hiện nay và các cơ quan khác theo phạm vi lĩnh vực phụ trách tham gia thẩm tra để thuận tiện trong việc theo dõi, giám sát quá trình tham gia đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện để bảo đảm tính thống nhất trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đối với việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước cần thống nhất phạm vi, quyền hạn của các cơ quan này trong công tác xây dựng pháp luật và phải được phân định rõ; chỉ quy định vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc. Các nội dung cụ thể được quy định trong pháp luật chuyên ngành để phù hợp với yêu cầu, tính chất, đặc điểm riêng, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực.

Sau sắp xếp, Quốc hội dự kiến có Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm cơ bản vẫn giữ nguyên trạng; các vụ chuyên môn chuyển về Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, nhưng công tác hậu cần, nhân sự cần có sự song trùng phối hợp với Văn phòng Quốc hội.

Về việc bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, tuy nhiên, các cơ quan khác của Quốc hội cần chủ động rà soát, nâng cao trách nhiệm đối với hoạt động này…

Sau sắp xếp, Quốc hội dự kiến có Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên thảo luận

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 03 dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Hồ sơ 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các tài liệu kèm theo đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét và đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về vấn đề phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung cơ bản; đồng thời, đề nghị cần rà soát từ ngữ theo nguyên tắc đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được sửa đổi và việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan phải đảm bảo nguyên tắc chung trong Luật và các vấn đề cụ thể quy định lại các luật chuyên ngành;..

Về cách thức quy định số lượng, cơ cấu tổ chức cơ quan của Quốc hội đề nghị, không sử dụng cụm từ "cơ quan chuyên môn" mà sử dụng như quy định tại Luật hiện hành là "cơ quan của Quốc hội".

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan tới nội dung về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; về giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND; mối quan hệ giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với Văn phòng Quốc hội;...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước