Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương để tháo gỡ "điểm nghẽn"

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 14/02/2025 15:29 GMT+7

bangdatally.xyz - Sáng 14/2, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật hiện hành và cho rằng nội dung của dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả", phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương; đồng thời tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế và khơi thông nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam) đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc "phân quyền có điều kiện". Theo đó, chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; Xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền. Đồng thời, tăng cường giám sát của Trung ương: Thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương để tháo gỡ điểm nghẽn - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam)

Bên cạnh đó, về phân cấp, đại biểu tỉnh Hà Nam đề xuất, bổ sung cơ chế "thẩm định hiệu quả phân cấp". Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm; các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ. Đồng thời, cần áp dụng nguyên tắc "phân cấp linh hoạt", đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.

Về ủy quyền, đại biểu đề nghị cần giới hạn phạm vi ủy quyền và bổ sung trách nhiệm giải trình.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, đây là tư duy mới của lãnh đạo Đảng, nhà nước đã được Luật hoá, mà hiện nay nhiều địa phương đang rất cần, để giải phóng các nguồn lực đang bị kìm hảm bởi các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn để tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi và thông suốt các nội dung phân quyền này là hết sức khó khăn.

Do vậy, đại biểu đề xuất cần bổ sung nội dung vào Điều 18 của Dự thảo Luật về Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này. "Có như vậy, việc phân quyền mới thực sự hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực …. mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.", đại biểu nêu quan điểm.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; về phân quyền, phân cấp, ủy quyền; về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;..

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương để tháo gỡ điểm nghẽn - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng Bộ Nội vụ phân tích về sự cần thiết, ý nghĩa, quan điểm sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ trong bối cảnh hiện nay. Dự luật quy định điều khoản rất quan trọng đó là: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là vấn đề rất mới, đặt trong bối cảnh đặc biệt của đất nước và nếu không làm như vậy thì không thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, rào cản lớn nhất để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ trong lần sửa đổi này là hoàn thiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo Hiến định và chủ trương của Đảng nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo của các cơ quan hành chính nhà nước nhất là chính quyền địa phương; tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế và khơi thông nguồn lực...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết và nhiều nội dung cơ bản của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, toàn diện, trên tinh thần xây dựng, góp ý nhiều nội dung, đề xuất nhiều phương án cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo luật. Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao nhất, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước