Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội:

Nhiều quyết sách kiến tạo cho phát triển đột phá

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 20/02/2025 21:15 GMT+7

bangdatally.xyz - Với 4 Luật và 18 Nghị quyết được Quốc hội thông qua không chỉ góp phần tháo gỡ nhanh, kịp thời những vướng mắc hiện tại mà còn góp phần tạo nền tảng quan trọng để bứt phá.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội vừa kết thúc ngày 19/2 là kỳ họp bất thường dài nhất từ trước tới nay, với 4 luật và 18 nghị quyết được Quốc hội thông qua, không chỉ góp phần tháo gỡ nhanh, kịp thời những vướng mắc hiện tại mà còn góp phần tạo nền tảng quan trọng để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên đã hoàn thành vượt mong đợi, đạt thống nhất cao đó là việc Quốc hội đã kiện toàn nhân sự Quốc hội, Chính phủ và hoàn thiện thể chế phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Hoàn thiện thể chế về tinh gọn bộ máy

Cùng với bầu bổ sung 2 Phó Chủ tịch Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng; bầu 6 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm 4 Bộ trưởng, các dự án luật liên quan đến tổ chức Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua lần này đều giảm số Chương và Điều so với hiện hành. 

"Đối với bộ máy của Chính phủ, bộ máy của địa phương và bộ máy Quốc hội, các đạo luật lần này tuy bớt đi số lượng, bớt đi khối lượng các điều luật nhưng tính phân cấp, phân quyền đặc biệt là vạch ra được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất là rành mạch", ông Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhận định.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Trong cách tiếp cận hiện nay, một tư duy rất mở và mới đó chính là có thể cho phép Chính phủ có thể được thực hiện những giải pháp mà nó nằm khác đi so với luật và những cái giải pháp như vậy để giải quyết những vấn đề mà chúng ta không khơi thông được nguồn lực cho những công trình hoặc hoặc là những dự án trọng điểm quốc gia".

Bộ máy sau sắp xếp, tinh gọn của Quốc hội, Chính phủ cũng đã ra mắt. Điều đáng nói, đây không phải chỉ là việc điều chỉnh cơ cấu cơ học mà sâu xa hơn là sự đổi mới căn bản về tư duy quản lý, hướng tới nền quản trị hiện đại, linh hoạt.

Nhiều quyết sách kiến tạo cho phát triển đột phá

Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước. Đó là nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Và đó cũng chính là điều nhìn thấy được khi theo dõi các phiên họp tổ, họp tại Hội trường cho ý kiến vào các dự thảo Nghị quyết mang tính kiến tạo phát triển cho năm nay và giai đoạn tiếp theo.

Quốc hội đã thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển khoa học công nghệ, một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới là những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu trên. Dù vậy, quá trình thực hiện cần phải lưu ý chất lượng tăng trưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: "GDP tăng trưởng nhưng phải tăng trưởng một cách bền vững thì đất nước chúng ta, cuộc sống của người dân mới được ấm no, hạnh phúc. Tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và mang tính chất thống nhất và thống nhất trong chủ trương và kỉ cương trong hành động. Tôi cho rằng đây là một trong những vấn đề mà từng cán bộ, công chức, từng đại biểu Quốc hội sẽ đồng hành với Chính phủ trong quá trình sắp tới".

Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật

Trong 4 luật thông qua tại kỳ họp lần này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được coi là đạo luật gốc, luật để làm luật. Đây là một luật khó, quy định về thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật. Việc thông qua Luật này là một bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thể chế vốn được xác định là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" hướng tới nhiệm vụ kiến tạo cho phát triển.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cho phép xem xét thông qua các đạo luật trong một kỳ họp với quy trình, thủ tục rút gọn; tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi chương trình lập pháp hằng năm để giao cho cơ quan trình chịu trách nhiệm nghiên cứu, thông qua chính sách làm cơ sở cho việc quy phạm hóa văn bản Luật trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định. Sự thay đổi này sẽ bảo đảm sự linh hoạt và phản ứng chính sách kịp thời hơn.

Với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi vừa thông qua đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn", khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước