Tại họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi về việc một số nhân sự từ cấp trưởng xuống giữ chức cấp phó khi sắp xếp các cơ quan của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, việc tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước xác định là cuộc cách mạng, trong quá trình thực hiện phải có sự hy sinh.
"Việc một số chức danh từ trưởng xuống phó đã được các đồng chí cán bộ, đảng viên chấp nhận sự hy sinh vì sự phát triển chung nên tự nguyện, xác định tư tưởng về việc đó. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có gì phải vận động trong vấn đề này" - bà Tạ Thị Yên chia sẻ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên
Phóng viên cũng đặt câu hỏi về chế độ, chính sách của đại biểu Quốc hội chuyên trách sau khi sắp xếp tinh gọn bộ máy của Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cho biết, trước đây, Thường trực Ủy ban của Quốc hội có 4 chức danh: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được thông qua ngày 17/2, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban còn lại 3 chức danh: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và hoạt động kiêm nhiệm.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi họp để phê chuẩn đối với các chức danh nêu trên. Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của các ủy ban vẫn giữ nguyên như vậy, không ảnh hưởng đến hoạt động của các ủy ban, đại biểu. Đối với chế độ, chính sách thì quyền lợi theo nghị định 178 của Chính phủ quy định trước mắt từ nay đến hết nhiệm kỳ, ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ, hệ số phụ cấp, chức vụ. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI sẽ thực hiện chung, thống nhất trong hệ thống theo quy định của Đảng, Nhà nước" - bà Yên nêu rõ.
Liên quan nội dung sắp xếp bộ máy của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội cũng như các cơ quan khác trong hệ thống chính trị tiến hành việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó có những cơ quan phải kết thúc hoạt động.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng
"Chúng tôi nhận thức rằng, đây là việc cần phải làm trong thời điểm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Các cơ quan của Quốc hội cũng phải là một trong các cơ quan đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này, đi đầu trong triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, thể chế hóa các quy định liên quan đến tinh gọn bộ máy" - Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nói.
Đến nay, cơ bản các khó khăn, vướng mắc liên quan đến sắp xếp bộ máy đang được tích cực giải quyết hiệu quả, tác động rất ít đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp cán bộ được thực hiện theo hướng tối ưu hóa chức năng, vị trí công việc, bảo đảm tối đa quyền lợi cho cán bộ...
Trả lời câu hỏi về việc Quốc hội thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy thì các nghị quyết về dự toán ngân sách chi thường xuyên, chi đầu tư đã quyết định của năm 2025 có cần thay đổi không, đại biểu Quốc hội chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thị Hồng Yến cho biết, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 160/2024/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.
"Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã sáp nhập và giải thể. Do đó, để có thể bảo đảm kinh phí thực hiện cho các cơ quan khi có những sự thay đổi vì nguyên nhân khách quan, việc điều chỉnh các nhiệm vụ thu, chi ngân sách sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật" - bà Phạm Thị Hồng Yến nêu.
Theo đó, khoản 2 Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước hiện hành quy định: Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất trong các trường hợp: dự kiến số thu không đạt dự toán được Quốc hội quyết định phải điều chỉnh giảm một số khoản chi; có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh hoặc vì lý do khách quan cần phải điều chỉnh.
Bà Phạm Thị Hồng Yến nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành họp thường xuyên giữa các kỳ họp, do vậy, khi cần điều chỉnh thì vẫn có thể tổ chức thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!