Nghiên cứu không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp

Quỳnh Trang-Thứ tư, ngày 05/03/2025 21:33 GMT+7

bangdatally.xyz - Cả nước thực hiện mô hình địa phương 2 cấp, không còn cấp huyện. Chủ trương mang tính cách mạng, trong bối cảnh kinh tế xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi.

Cả nước hiện nay có gần 700 đơn vị hành chính cấp huyện. Theo Kết luận 127, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo nghiên cứu định hướng không tổ chức cấp huyện và thực hiện mô hình địa phương 2 cấp. Địa phương chỉ còn 2 cấp là tỉnh và xã.

Đây là chủ trương mang tính cách mạng, bởi từ khi thành lập nước tới nay, cấp huyện là một cấp hành chính trong trong hệ thống chính trị Việt Nam. Song, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, đã đến lúc kết thúc mô hình tổ chức cơ quan hành chính này.

Nghiên cứu không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp - Ảnh 1.

Gần 80 năm kể từ Hiến pháp năm 1946, hệ thống chính trị của Việt Nam được tổ chức theo mô hình 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Cấp huyện là cấp trung gian, là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách của cấp Trung ương và cấp tỉnh đến với cơ sở. Đây cũng là cấp tiếp nhận và phản ánh ý kiến của cơ sở với tỉnh, với Trung ương để giải quyết vấn đề của địa phương.

Theo ông Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: ''Cấp huyện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Trong các giai đoạn nhất định, cấp huyện đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Giai đoạn mới này, rõ ràng có những thay đổi, nếu chúng ta giữ nguyên mô hình bộ máy cấp huyện thì không còn phù hợp. Nền kinh tế chúng ta đã đạt được những thành tựu rất lớn, đời sống nhân dân cũng đã được cải thiện, đặc biệt, cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin chúng ta tốt hơn rất nhiều''.

Theo Kết luận 127, Bộ Chính trị, Ban Bí thư định hướng nghiên cứu để sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập một số cấp xã, nghiên cứu tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Chủ trương này được dư luận đồng tình, ủng hộ bởi không tổ chức cấp huyện là bỏ bớt cấp trung gian.

PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: ''Chúng ta đã đủ điều kiện, cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, người dân có thể tiếp cận chính quyền nhanh hơn. Thứ hai, nhiều dịch vụ đã chuyển lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và người dân có thể ở nhà vẫn có thể triển khai được các dịch vụ. Và chúng ta sẽ quản lý tốt hơn và bớt qua cấp trung gian'; thêm một cấp là thêm họp hành, thêm văn bản, thêm thủ tục, thêm giấy tờ''.

''Giảm đi một cấp là sự tinh gọn rất hiệu quả, rất rõ rệt, tạo thuận lợi trong quá trình điều hành chỉ đạo. Thực ra, ta thấy vai trò cấp huyện đã có những vai trò lịch sử nhưng trên thực tế, vẫn có những hoạt động mang tính hình thức'', ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 diễn ra tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định sắp xếp tổ chức bộ máy với mục tiêu là phù hợp với yêu cầu phát triển. Việt Nam hiện đang theo mô hình chính quyền 4 cấp, trong khi 80% các nước trên thế giới theo mô hình 3 cấp. Do đó, phải nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Mục tiêu là để phát triển, để quản lý được và để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của nhân dân.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước