Nếu không giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ có sự "hẫng hụt"

Tạ Hiển-Thứ bảy, ngày 15/02/2025 14:52 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

bangdatally.xyz - Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, các cơ quan liên quan sẽ đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương.

Cần tăng cường kiểm soát quyền lực khi được phân cấp, phân quyền

Sáng 15/2, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi sửa đổi và đóng góp hoàn thiện các quy định liên quan đến việc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng: Tăng trách nhiệm, quyền hạn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp mình, các vấn đề Ủy ban nhân dân thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, trừ các vấn đề phải thông qua cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, quy định cụ thể hơn nữa cơ chế giám sát giải trình trách nhiệm thông qua chế độ báo cáo tại phiên họp gần nhất của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và báo cáo cơ quan hành chính cấp trên có thẩm quyền quản lý khi được yêu cầu.

Nếu không giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ có sự hẫng hụt - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (thành phố Đà Nẵng)

Theo đại biểu Duy Minh, do dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được thiết kế theo tư duy “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và “phân cấp phân quyền mạnh mẽ để khơi thông các nguồn lực phát triển đất nước”, do vậy, nếu nội dung Luật này thiếu những thiết chế, cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu lực, hiệu quả khi chính quyền địa phương được phân cấp phân quyền mạnh mẽ thì có thể xảy ra các trường hợp tiêu cực. Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Điều 4 của dự thảo Luật về nguyên tắc “tăng cường kiểm soát quyền lực khi được phân cấp, phân quyền, uỷ quyền”.

Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, một số đại biểu nêu thực tế, sau khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, các địa phương như Đà nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là Hải Phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện Chính quyền đô thị. Qua đánh giá, các nơi này đã triển khai thực hiện và mang lại kết quả tốt.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương để tránh "hẫng hụt"

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tương đồng với Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 3 nội dung cốt lõi, trọng tâm.

Đó là phân định, làm rõ, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương để thực hiện phương châm theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Nếu không giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ có sự hẫng hụt - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Xây dựng cơ chế tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, những vấn đề vướng mắc hiện nay đang tồn tại trong các luật chuyên ngành, đảm bảo khơi thông và thực hiện được nguyên tắc về phân quyền, phân cấp và ủy quyền của hai Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Sửa đổi căn bản, toàn diện luật nhưng cũng bảo đảm tính ổn định trước mắt để vận hành bộ máy chính quyền địa phương thông suốt trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Chính phủ đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành để tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị.

"Nếu không tạm thời giữ nguyên sẽ có sự hẫng hụt trong vận hành hệ thống tổ chức chính quyền địa phương và mô hình chính quyền địa phương" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.

Trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, các cơ quan liên quan sẽ đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương.

Về nguyên tắc phân cấp, phân quyền, phân cấp, ủy quyền làm sao đảm bảo để địa phương thật sự chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm, đảm bảo được nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ, cơ quan soạn thảo đã cố gắng thiết kế, về mặt tổng thể đã thể hiện được một cách rất cụ thể, rành mạch nguyên tắc, mối quan hệ chặt chẽ, trách nhiệm cho các chủ thể, phạm vi, hình thức quản lý, điều kiện đảm bảo, trách nhiệm giữa chủ thể phân quyền, phân cấp, ủy quyền với chủ thể nhận phân quyền, phân cấp, ủy quyền; phù hợp với phương thức quản lý về phân quyền, phân cấp, phương thức pháp lý để thực hiện quyền này.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận, hầu hết các ý kiến thảo luận đều thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ, ủng hộ đổi mới, ủng hộ quyết tâm đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới, với những nội dung và giải pháp mạnh mẽ. Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan có liên quan tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước