Nằm lọt thỏm giữa thung lũng A Sầu (thuộc xã Đông Sơn, huyện A Lưới, TP Huế), sân bay A So là chứng tích bi thương của một thời lửa đạn. Những năm 1961 - 1966, Mỹ biến nơi này thành một cứ điểm quân sự trọng yếu, dựng lên bức tường hỏa lực nhằm chặn đứng con đường tiếp viện từ Lào về Việt Nam.
Không chỉ bom đạn cày nát đất đai, mà hơn 1,6 triệu lít chất độc da cam (tương đương hơn 432.812 gallon) đã bị rải xuống, nhấn chìm nơi đây trong thảm họa nhiễm độc kéo dài hàng chục năm. Người ta từng gọi A So là "rốn da cam", là "vùng đất chết", một nơi mà sự sống tưởng chừng đã bị xóa sổ.
Sân bay A So là chứng tích bi thương của một thời lửa đạn
Chúng tôi đến thung lũng A Sầu sau những ngày mưa đầu năm, con đường đất đỏ dẫn vào các lối nhỏ của làng Loah Tà Vai. Đây là ngôi làng nhỏ nằm cạnh sân bay A So, được thành lập từ năm 1992 và cũng là một trong những khu dân cư chịu ảnh hưởng nặng nề do tàn dư chất độc màu da cam.
Bên bếp lửa nhà sàn, già làng Hồ Văn Hệ rít một hơi thuốc, chậm rãi nói: "Hơn 50 năm rồi. Chiến tranh đi qua, nhưng những ngày ấy bà con sống trong sợ hãi, không dám cày cấy vì sợ đất còn độc. Khi mới lập làng, nơi đây chỉ toàn cỏ dại, đầy hố bom và bom mìn sót lại".
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương vẫn còn âm ỉ trên "vùng đất chết". Có những trận bom vẫn chưa phát nổ, có những quả mìn vẫn nằm sâu trong lòng đất. Có những chất độc mà mắt thường không nhìn thấy, nhưng hiện diện trong từng đứa trẻ sinh ra không lành lặn. Suốt hơn nửa thế kỷ, mảnh đất này oằn mình gánh chịu di chứng của chiến tranh, cằn cỗi và hoang hóa.
Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình nằm vắt mình bên con đường Trường Sơn huyền thoại. Với vị trí chiến lược quan trọng, năm 1965, xã Cự Nẫm được chọn làm điểm tập kết hàng hóa quân sự, đưa đón bộ đội, thanh niên xung phong vào các chiến trường miền Nam.
Trong giai đoạn 1969 đến 1973, Cự Nẫm được xem là "toạ độ lửa" vì là nơi bộ đội Trường Sơn chọn đặt binh trạm, nơi dừng chân của những đoàn quân trước lúc vào mặt trận miền Nam… Các sư đoàn bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận, các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi, lấy nhu yếu phẩm…
Do vị trí trọng yếu ở cửa ngõ vào Nam ra Bắc, Cự Nẫm trở thành nơi phải thường xuyên hứng chịu mưa bom bão đạn. Cũng từ đây, cái tên "Làng binh trạm", "Làng một đêm" ra đời.
"Người dân Cự Nẫm ngày xưa dù thiếu gạo, thiếu lương thực, phải chịu đói, chịu khát nhưng quân lương của bộ đội, thì họ cầm chặt tay thề "không đụng đến". Bà con nơi đây đã nhường nhà, giường chiếu cho bộ đội ngủ, còn gia đình lại dùng rơm vàng lót ổ để nằm. Nhiều lính trẻ vừa rời ghế nhà trường nhớ gia đình được người dân động viên, chở che đùm bọc để vững tin, bền chí trước khi vào chiến tuyến", thầy giáo lịch sử Nguyễn Hữu Phi, Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, người chắp bút cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm" giai đoạn 1945 – 2005 kể.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, giặc Mỹ cũng đã trút xuống Cự Nẫm hàng ngàn tấn bom, phá hủy hàng trăm căn nhà, trường học, hàng trăm người đã ngã xuống. Những địa danh như Rú Nguốn, Đôộng Dôn, Cồn Tro, Cồn Nàn, Đồi Vải Chết… đều gắn liền với những trận chiến khốc liệt cách đây nửa thế kỷ.
Dưới cái nắng chói chang của miền biên viễn, sân bay A So, "vùng đất chết" từng là một trong những điểm nóng ô nhiễm dioxin nặng nề nhất Việt Nam. Từ tháng 3/2020, một chiến dịch đặc biệt bắt đầu. Cuộc chiến lần thứ hai với chất độc da cam, do những người lính của Binh chủng Hóa học đảm nhiệm, cũng cam go và vô cùng dai dẳng.
Không tiếng súng, không khói lửa, nhưng đó vẫn là một trận chiến thực sự. Những người lính khoác lên mình bộ quân phục, lặng lẽ bước vào vùng đất bị nhiễm độc, đánh dấu từng khu vực ô nhiễm, cẩn thận lấy từng mẫu đất để phân tích. Họ hiểu rằng, mỗi hạt bụi vương trên tay là tàn dư của quá khứ, và cũng chính từ đây, hành trình hồi sinh bắt đầu.
Dù nắng hay mưa, những người lính của Binh chủng Hóa vẫn miệt mài với công việc trong vùng đất nhiễm dioxin
Những vùng đất ô nhiễm nặng được khoanh vùng nghiêm ngặt, áp dụng phương pháp chôn lấp cô lập với lớp lót chống thấm, đảm bảo chất độc không thể phát tán. Ở những khu vực có mức ô nhiễm nhẹ hơn, công nghệ phân hủy sinh học được triển khai, để vi sinh vật từ từ phá vỡ cấu trúc dioxin, trả lại sự sống cho đất.
Ba năm ròng rã, họ bám trụ nơi đây. Hè đến, cái nắng bỏng rát không làm họ chùn bước. Đông về, những cơn mưa rừng xối xả không khiến họ dừng tay. Mỗi mét vuông đất được làm sạch là một bước tiến trong cuộc chiến thầm lặng này.
Tháng 10/2023, chiến dịch hoàn thành. 9,35 ha đất sạch đã được bàn giao cho địa phương. Trên nền đất từng bị bỏ hoang, những hàng cây non bắt đầu vươn mình, những nhành cỏ mềm trải dài trong gió. Một vùng đất tưởng chừng đã chết, nay đang hồi sinh mạnh mẽ.
Những cựu chiến binh tham gia trận chiến giành lại sân bay A So trồng những mầm xanh đầu tiên khi vùng đất này vừa mới được xử lý chất độc màu da cam
Nhà trưởng bản Ngọc Hữu Đa nằm ngay con đường vào bản, cạnh sân bay A So. Một cựu chiến binh người Pa Kô, đã theo bộ đội giải phóng sân bay A So. Sau chiến tranh, ông là một trong những người tiên phong đưa dân lập làng tại thung lũng A Sầu hoang hóa.
Trước mặt nhà già Đa vẫn còn hai hố bom to nhất bản, đây là tàn tích một đợt B52 rải thảm sau khi bộ đội chiếm được A So. Trước đây già Đa đã từng tận dụng 2 hố bom này làm ao nuôi cá. Nhưng cứ hễ thả cá xuống là vài ngày sau chúng cứ chết dần chết mòn, có sống cũng không lớn được. Gần nửa thế kỉ trôi qua, ao cá của già Đa giờ đây đã nuôi được những loài cá bản xứ, chúng đã sống và ngày càng lớn lên, một minh chứng về vùng đất đã có sự đổi thay sau ngần ấy năm.
"Trước đây, chất độc da cam không loài vật nào sống được, con vật, cây cối trên cạn thì cằn cỗi, héo úa. Cá dưới nước thì chết lần chết hồi. Nay đất đã đã dần lấy lại sinh khí, người dân cũng phần nào an tâm", già Đa nhớ lại hồi ức của những ngày đầu thành lập làng và hi vọng về tương lai tươi tốt trên thung lũng A Sầu.
Trên cánh đồng, những người nông dân đang tất bật với mùa vụ. Những thửa ruộng trước đây bỏ hoang nay đã rì rào màu xanh của lúa. Những cây keo non lại được trồng bạt ngàn trên những ngọn đồi thoai thoải ở thung lũng A Sầu.
Bà Hồ Thị Mứa cho biết trước đây không thể trồng lúa vì đất và nước đều nhiễm độc nhưng giờ đây nương đồng đã xanh rì, năm nào cũng bội thu
"Hồi trước, không ai dám trồng cấy ở đây. Đất này độc, người già bảo thế. Bây giờ thì khác rồi, đất sạch rồi, nước suối trong rồi. Cán bộ xuống đo, kiểm tra, nói yên tâm trồng trọt được rồi. Mình vui lắm!" bà Hồ Thị Mứa, một người dân xã Đông Sơn, vừa nói vừa chỉ vào mảnh ruộng trước mặt.
Những đứa trẻ A Lưới cũng đã có thể chơi đùa trên cánh đồng, thay vì bị cấm bén mảng đến những khu vực nguy hiểm. Những lễ hội truyền thống lại được tổ chức, người dân lại hát lên những điệu dân ca của người Pa Cô, Tà Ôi.
Anh Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, phấn khởi chia sẻ rằng người dân xã Đông Sơn đã biến những mảnh đất từng bị bỏ hoang thành những cánh đồng trù phú. Quan trọng hơn, họ không còn canh cánh nỗi lo về thứ chất độc da cam vô hình từng ám ảnh vùng đất này.
"Trong tương lai, Đông Sơn sẽ được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế sẵn có. Người trẻ sẽ có cơ hội học tập, làm việc ngay trên quê hương, góp phần xây dựng bản làng ngày càng phát triển. Còn những người cao tuổi, với vốn kinh nghiệm dày dặn, sẽ kết hợp cùng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất trong chăn nuôi, trồng trọt, giúp cuộc sống ngày một ấm no, sung túc hơn".
Năm 1972 , anh bộ đội Cao Văn Tơn (sinh năm 1946) bị thương tại chiến trường Quảng Trị. Trên đường ra hậu phương, tại "làng binh trạm" bên dãy Trường Sơn, anh Tơn tình cờ gặp cô dân quân Nguyễn Thị Luyến. Giây phút gặp gỡ tuy ngắn ngủi giữa mưa bom bão đạn, những tình yêu giữa nảy nở nơi trái tim của chàng trai trẻ tuổi.
Khi non sông thống nhất, đất nước trọn niềm vui, anh lính thanh niên xung phong gốc Thái Bình ngày xưa đã tìm về Cự Nẫm, tìm lại người con gái mình yêu, lập gia đình và sống trên mảnh đất này từ đó đến nay.
"Thời điểm đó, khi chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, tôi được đơn vị điều vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, khi bị thương thì được đưa về hậu phương. Qua xã Cự Nẫm, tôi tình cờ được gặp và quen vợ tôi bây giờ. Gặp cô dân quân vừa xinh đẹp, lại vừa hiền lành, chiu thương chịu khó, tôi phải lòng ngay. Sau nhiều lần viết thư, gặp gỡ rồi, chúng tôi đã đến với nhà và định cư trên mảnh đất ân tình này đến tận bây giờ", ông Tơn kể lại với chúng tôi.
Mối tình giữa chàng trai, cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi như có sức sống bền bỉ qua thời gian giống như nhựa sống trên vùng đất Cự Nẫm. Qua những năm tháng bom đạn, những cánh đồng hứng bom năm xưa giờ đã thành những ruộng lúa, ruộng ngô xanh tươi, trù phú.
Năm 2018 xã Cự Nẫm đã cán đích nông thôn mới. Đi qua cuộc kháng chiến gian lao của dân tộc, Cự Nẫm vẫn vẹn nguyên dáng vẻ của làng quê thuần nông. Một khung cảnh yên bình như chưa hề trải qua những năm tháng đạn bom khốc liệt.
"Từ gian khó, xã vươn lên thoát nghèo. Nay chúng tôi đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Cự Nẫm cũng đang lấy du lịch cộng đồng làm năng lượng để bứt phá", ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Cự Nẫm tự hào chia sẻ.
Đến thăm Cự Nẫm thời điểm này sẽ cảm nhận được không khí du lịch hiện rõ trên từng con đường, ngõ xóm. Trong 13 thôn của xã nơi đâu cũng sạch đường, đẹp lối, cờ bay phấp phới.
Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, các loại hình du lịch cộng đồng tại Cự Nẫm bắt đầu được nhận diện trên bản đồ du lịch Quảng Bình với hàng chục cơ sở lưu trú, nhiều nhà nghỉ, khu du lịch sinh thái, cũng như homestay, farmstay. Du khách đến đây vừa được hòa mình vào không gian trong lành, yên tĩnh của một làng quê mộc mạc, vừa được tìm hiểu, khám phá những giá trị lịch sử của vùng đất anh hùng.
Trên hành trình thăm lại những vùng đất từng là chiến trường khốc liệt, điểm dừng chân đặc biệt cuối cùng của chúng tôi là giới tuyến Vĩnh Linh, Quảng Trị, được ví như "cái rốn" của bom đạn chiến tranh trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong vòng 8 năm (1965 - 1972), kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn, tính bình quân vào thời kỳ đó mỗi người dân Vĩnh Linh đã phải chịu đựng 7 tấn bom đạn các loại. Tất cả làng mạc, nhà cửa, ruộng đồng dường như bị san bằng.
Không thể sống nổi trên mặt đất, người dân Vĩnh Linh đào hầm sâu vào lòng đất để sống, để chiến đấu như lời Bác Hồ căn dặn.
Chỉ trong 3 năm 1966 – 1968, chủ yếu bằng đôi bàn tay gân guốc, chai sạn, quân dân tuyến lửa đã đào gần 3,8 tỷ mét khối đất đá làm nên 114 làng hầm với tổng chiều dài 40 cây số. Hầm địa đạo Vịnh Mốc sâu tới 30 mét. Hệ thống giao thông hào liên gia, liên thôn, liên xã dài hơn 2000 km.
50 năm kể từ ngày nước nhà thống nhất, mảnh đất này đang hồi sinh mạnh mẽ, hứa hẹn cuộc sống mới đổi thay từng ngày…
Nắm tay vợ đi qua cây cầu hai màu sơn lịch sử, ông Hoàng Nghi ở thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, nhân chứng sống bên bờ Hiền Lương xúc động nói:"Cuộc sống ở giới tuyến bây chừ không còn cảnh đứng bên ni cầu ngó qua bên nớ mà nhớ thương vời vợi nữa ".
Ông Nghi và bà Hoàng Thị Hoa (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong) từng là dân quân trên miền giới tuyến này. Mối tình của ông và người con gái bên kia sông Bến Hải từng được nhiều người dân nơi đây biết đến. Họ đã kiên định vượt qua nỗi nhớ nhung lẫn sự ngăn cách của bom đạn chiến tranh để đến với nhau trong niềm hạnh phúc. Đám cưới của họ là một trong những đám cưới đầu tiên qua cầu Hiền Lương sau ngày thống nhất, được ví như một cuộc se duyên đôi bờ Bến Hải.
Từ những ngày thương nhớ cô gái bên kia sông, qua mấy chục năm, ông Nghi đã chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của vùng đất lửa năm xưa. Trên những cánh đồng trước đây đầy hố bom nay đã xanh ngắt màu của lúa.
Gạt những giọt mồ hôi trên gương mặt, ông Hoàng Văn Tình, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Hiền Lương, xã Hiền Thành phấn khởi chia sẻ: "Sau khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, cũng như bao làng quê khác ở Vĩnh Linh, xã Hiền Thành bắt tay xây dựng lại cơ đồ từ hoang tàn đổ nát. Năm 1978, trên những diện tích đất từng bị bom đạn cày xới đã được cải tạo lại, người dân bắt đầu tăng gia sản xuất, những ruộng lúa, hồ nuôi trồng thủy sản bắt đầu hình thành bao quanh làng mạc".
Vĩnh Linh hiện có những vùng chuyên canh cây trồng cho giá trị cao, như: Hồ tiêu hơn 1.300 ha, cao su gần 6.500ha, trồng rừng và cây ăn quả. Nhờ đó đời sống người nông dân dần ổn định, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm hơn 50 triệu đồng. Ngày 25/8/2024 vừa qua huyện Vinh Linh vinh đự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Đến Vĩnh Linh bây giờ không chỉ có những cánh đồng xanh bạt ngàn của lúa, hồ tiêu, hoa màu… Với hệ thống 180 di tích đã được xếp hạng, đây không chỉ là những "địa chỉ đỏ" giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống anh hùng cách mạng của cha ông, mà còn là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng.
Nằm trên quốc lộ 1A, Cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Sông Bến Hải là biểu tượng tiêu biểu cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do và thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam, là điểm đến đầu tiên trong hành trình tour tuyến du lịch của du khách thập phương. Từ Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương – Sông Bến Hải xuôi về phía biển tầm 15km là hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc. Nơi ghi dấu về ý chí quật cường của người Vĩnh Linh trong những năm tháng xẻ lòng đất để trường tồn. Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Linh, những năm gần đây, lượng khách đến Vĩnh Linh ngày một đông, hàng năm ước đạt 150.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 250 tỷ đồng.
Sự sống đang nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Trải qua những đau thương, mất mát, mảnh đất giới tuyến Vĩnh Linh ngày nào đang trở mình hồi sinh mạnh mẽ. Những hố bom, trận địa pháo, hầm hào và cả "vành đai trắng" năm xưa nay đã được lấp đầy bằng màu xanh của những vườn tiêu, màu vàng của đồng lúa chín. Một mùa bình thường, mùa vui, mùa hạnh phúc đã về trên những mảnh đất anh hùng./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!