Ngày 12/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội sẽ khai mạc. Cùng với góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, xây dựng một hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kỳ họp là bước cụ thể hóa tinh thần khẩn trương của cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, qua đó, đảm bảo bộ máy sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là 4 dự án Luật sẽ được xem xét, sửa đổi tại Kỳ họp bất thường lần này.
Trong đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được coi là đạo luật gốc, khó, quy định về thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật, nhưng đã hoàn thành đúng hạn.
"Để đảm bảo được tiến độ và chất lượng của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật này, các cơ quan, từ cơ quan Chính phủ đến các cơ quan của Quốc hội đã phải làm việc trong tình trạng vừa chạy, vừa xếp hàng, hết sức khẩn trương và cố gắng đến mức tối đa để có thể có dự thảo chất lượng", TS. Dương Thị Thanh Mai (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp) cho biết.
Dự kiến sau sắp xếp, bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, 5 cơ quan trực thuộc, giảm 5 bộ, ngành và giảm 3 cơ quan.
Còn Quốc hội sẽ còn Hội đồng dân tộc và 7 Ủy ban, giảm 2 Ủy ban so với trước. Việc thay đổi số lượng, chức năng, nhiệm vụ dẫn đến các quy định trong dự án Luật, nghị quyết liên quan sẽ phải điều chỉnh tương ứng và đây là nhiệm vụ cấp bách đối với hoạt động xây dựng pháp luật.
"Đây là một cuộc cách mạng, không chỉ đơn giản là cách mạng tinh gọn; không chỉ đơn giản trong cơ cấu tổ chức mà tôi cho rằng còn cả cách mạng trong tư tưởng, trong quan điểm và đặc biệt cách mạng trong công tác lập pháp, lập quy, trong đó có vấn đề thể chế. Nó cũng là một trong những điểm nghẽn mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhắc đến", TS. Nguyễn Văn Tạo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định.
"Quốc hội sẽ xem xét 4 luật, 5 nghị quyết để kịp thời điều chỉnh nhanh nhất, để chúng ta triển khai một cách hiệu quả, cũng như ngay và luôn. Chúng ta sẽ có bộ máy hoàn thiện và vận hành không bị ảnh hưởng gì về việc sáp nhập, hoàn thiện hệ thống pháp luật để cho các cơ quan, bộ máy hoạt động một cách hiệu quả", ông Tạ Văn Hạ (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho hay.
Cùng với 4 dự thảo Luật cùng các Nghị quyết liên quan, việc cho ý kiến tại kỳ họp đối với các Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, cũng như các quyết sách lớn về điện hạt nhân, hay phát triển đường sắt được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, phục sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!