Khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về tình trạng khẩn cấp
Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, việc ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Kể từ khi có Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp và một số luật chuyên ngành có quy định về tình trạng khẩn cấp, nước ta chưa từng ban bố tình trạng khẩn cấp. Ngay trong giai đoạn chống dịch COVID-19, mặc dù chưa ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng một số biện pháp tương tự như biện pháp của tình trạng khẩn cấp lại được áp dụng để ứng phó với dịch.
Trong điều kiện lần đầu tiên xảy ra đại dịch lớn đã phát sinh nhiều tình huống khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết ngay; trong đó có nhu cầu phải trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh.
Tình hình xung đột ở nhiều khu vực, thiên tai bất thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm gia tăng các tình huống khẩn cấp về sự cố, thảm họa, đòi hỏi các quốc gia phải có các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu; dịch bệnh nguy hiểm xảy ra thường xuyên với mức độ cao hơn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước.
Từ những cơ sở trên, việc xây dựng, ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo Đại tướng Nguyễn Tân Cương, dự thảo Luật gồm 6 chương, 42 điều, cụ thể hóa 2 chính sách được thông qua trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng dự án Luật, gồm:
Chính sách 1: Biện pháp áp dụng trong Tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo, điều hành và quyết định áp dụng các biện pháp đặc biệt của một số chủ thể trong tình trạng khẩn cấp;
Chính sách 2: Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; cứu trợ, hỗ trợ người dân ứng phó trong và sau tình trạng khẩn cấp.
Nghiên cứu, làm rõ thêm về căn cứ ban bố tình trạng khẩn cấp
Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại (UBQPANĐN) của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh, Thường trực UBQPANĐN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng: Việc ban hành Luật TTKC là nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố; đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Việc ban hành Luật nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành pháp luật về TTKC, nhất là từ khi diễn ra đại dịch COVID-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới
Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp (Điều 9), Thường trực UBQPANĐN cơ bản nhất trí như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm về căn cứ ban bố TTKC để bảo đảm tính thống nhất. Việc xây dựng các căn cứ để ban bố TTKC phải đáp ứng các yếu tố khách quan và chủ quan, vượt ra ngoài cấp độ 3 PTDS, đồng thời cũng phải có tiêu chí để tránh áp dụng tùy tiện, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Có ý kiến đề nghị rà soát thẩm quyền đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 1 vì Hiến pháp chỉ quy định UBTVQH có quyền quyết định ban bố TTKC mà không quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến khác đề nghị làm rõ thêm các căn cứ, cơ sở, quy trình để các bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBTVQH ban bố TTKC; trường hợp nào thì ban bố TTKC ở địa phương, trường hợp nào là trên phạm vi cả nước, nếu ở địa phương thì khi nào ở cấp tỉnh, khi nào ở cấp thấp hơn...
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến về mục đích ban hành luật, hồ sơ dự án luật, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, về áp dụng tình trạng khẩn cấp và các luật liên quan, các biện pháp được áp dụng trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp, các chính sách và biện pháp hỗ trợ, thời điểm thông qua luật…
Rà soát, hoàn thiện các quy định về các biện pháp áp dụng
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Quốc phòng chủ động, tích cực, nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án luật đảm bảo đúng tiến độ theo quy định. Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tích cực thẩm tra sơ bộ bảo đảm chất lượng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật do Chính phủ trình và các nội dung thẩm tra. Dự thảo luật cơ bản bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận
Qua ý kiến thẩm tra và ý kiến phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tình trạng khẩn cấp và các điều ước quốc tế, để bảo đảm tính thống nhất, tính tương thích, tính khả thi; xử lý hài hòa các quy định liên quan được các luật khác quy định, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa các quan điểm về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật đối với các nội dung trách nhiệm quản lý nhà nước về phân cấp, phân quyền, giao quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện các quy định về các biện pháp áp dụng bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo với các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3 và các biện pháp dân sự được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, quy định tại Luật Phòng thủ dân sự; việc phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định hoặc khác luật, bảo đảm linh hoạt trong việc ứng phó xử lý các tình trạng khẩn cấp; quy định rõ trong trường hợp chưa hoặc không ban bố tình trạng khẩn cấp quốc phòng có thể áp dụng các biện pháp khác; đồng thời làm rõ thêm thời điểm hiệu lực, đối tượng, các biện pháp này để đảm bảo tính khả thi bằng các văn bản pháp luật dưới luật.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Đội công tác tuyên truyền đặc biệt, Đội tuần tra đặc biệt, đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thẩm định; đồng thời tiếp thu ý kiến cơ quan thẩm tra, ý kiến tại Phiên họp để hoàn thiện hồ sơ dự án luật; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại thẩm tra chính thức, báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!