Thương mại hoá để tránh nghiên cứu xong rồi "bỏ tủ"
Sáng 17/2, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đề nghị miễn trách nhiệm dân sư và hình sự
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo nghị quyết theo hướng tăng ngân sách chi cho khoa học công nghệ, chấp nhận rủi ro.
"Nghiên cứu khoa học công nghệ giống như khai thác dầu khí, có thể 10 mũi khoan mới 1 mũi có dầu. Thậm chí, nghiên cứu còn rủi ro hơn vì khoan dầu thì biết sản phẩm nếu có là dầu, còn khoa học công nghệ không thể biết chắc kết quả ra sao", ông Cường nói.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng đề xuất đơn giản hóa thủ tục khoán chi ngân sách trong nghiên cứu khoa học. Cùng với đó là đề xuất bỏ quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học công nghệ như đấu thầu trong đề tài bởi điều này hoàn toàn không phù hợp. Thay vào đó là chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, khoán chi đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Đáng chú ý đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề xuất, cơ quan nghiên cứu được lập doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu giúp hạn chế tình trạng nghiên cứu xong rồi "bỏ tủ". Ngoài ra là bổ sung quyền cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu được thương mại hóa kết quả để nhanh chóng phát huy hiệu quả nghiên cứu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)
Đồng tình với ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng sản phẩm nghiên cứu khoa học được thương mại hóa còn quá ít, "phần lớn nghiên cứu khoa học chỉ ở trong ngăn kéo cho đến lạc hậu với thời cuộc và mục nát theo thời gian".
Như trong lĩnh vực huyết học, Viện Huyết học truyền máu Trung ương đã nghiên cứu thành công hệ thống phát hiện bất thường của hồng cầu trong quá trình truyền máu. Hệ thống của Viện rẻ hơn so với nhập từ nước ngoài và quan trọng nhất là sản phẩm phù hợp với đặc điểm hồng cầu của người Việt.
"Đưa vào sử dụng rất tốt, nhưng để thương mại hóa cung cấp cho cả nước thay thế cho sản phẩm nước ngoài gặp vô vàn khó khăn về thủ tục. Vì vậy, số lượng được sản xuất chỉ ở mức nhỏ, còn lại không thể thương mại hóa rộng rãi, rất lãng phí", ông Trí nói.
Đại biểu Trí đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát văn bản pháp luật đã có, trong đó có đấu thầu, định giá, chuyển giao để bổ sung chính sách khả thi nhằm thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Đề nghị miễn trách nhiệm dân sư và hình sự
Liên quan đến rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình việc không truy cứu trách nhiệm và miễn trừ rủi ro nếu kết quả nghiên cứu không đạt khi thực hiện đúng quy trình và quy định. Song địa biểu yêu cầu diễn giải cụ thể quy trình và quy định là gì.
"Bởi nếu không cẩn trọng diễn giải theo quy định của pháp luật, sẽ quay trở lại thực tế nhiều trường hợp hiện này là cứ tuân thủ pháp luật là không làm cái gì cả", ông Cường nói và đề nghị sửa lại theo hướng "khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu và đề tài đã đăng ký nhưng không đạt kết quả thì không phải hoàn trả lại kinh phí".
Trước đó trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự; cần quy định để xác định được tổ chức, cá nhân đã làm, đã nỗ lực hết sức, đã thực hiện .
Tiếp quan điểm với ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, nếu chỉ có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, sẽ không bao quát hết tình hình thực tế.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)
Với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học và phát triển công nghệ, nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan, ông An đề nghị nếu gây thiệt hại cho cả Nhà nước và cho cả các tổ chức, cá nhân khác, cũng cần miễn trách nhiệm dân sự.
Ngoài trách nhiệm dân sự, vị đại biểu đề nghị nghiên cứu miễn cả trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
"Tôi đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nếu đáp ứng các tiêu chí về tính khách quan, về quy trình thủ tục, nếu không người làm khoa học hết sức rủi ro", ông An nhấn mạnh.
Ông An đề xuất thí điểm miễn trách nhiệm dân sự và hình sự trong nghiên cứu khoa học, từ đó làm nền quy định trong các luật.
Góp ý thêm về dự thảo, đại biểu đoàn Đồng Nai, đề xuất hình thành hệ thống, mạng lưới cơ sở nòng cốt về khoa học công nghệ để có những chính sách đặc thù về thuế, tài chính, con người… Từ đó có thể đầu tư tập trung, trọng điểm.
Với những doanh nghiệp nòng cốt, cũng nên thiết kế những hệ thống mang tính chất tổ hợp khoa học công nghệ. Trong tổ hợp này có cả công và tư, từ đó giúp tạo ra chuỗi giá trị khoa học công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!