Nhiều đại biểu ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ thời gian qua đã triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán, điều hành linh hoạt, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên.
"Tôi đánh giá cao hằng năm Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai và thực hiện. Nhờ vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% đề ra tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị" - bà Hoàng Thị Thanh Thúy - đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh phát biểu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu. Ảnh: TTXVN
"Tôi thấy rằng trong năm qua Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã rất quan tâm, trách nhiệm và khoa học trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách đầy đủ, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm công khai, minh bạch các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như quy định tại Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Do đó việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhìn chung đã có những kết quả rất tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương nói riêng" - ông Lưu Bá Mạc - đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu.
Đánh giá cao kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại. Cho rằng, lãng phí còn nguy hại hơn cả tham ô tham nhũng, nhiều đại biểu khẳng định lãng phí chính là một lực cản đối với sự phát triển của đất nước nếu không sớm được nhận diện và ngăn chặn, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
"Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể và hữu hiệu hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng đất công. Có các chính sách để hạn chế tình trạng để đất hoang hóa, nhiều diện tích đất chưa hoặc không sử dụng trong thời gian dài, phải cương quyết thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai, có dấu hiệu găm đất và các quy hoạch treo ở các địa phương" - ông Nguyễn Tạo - đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đề nghị.
"Đối với đất đai nông, lâm trường, Chính phủ đã kiểm tra, Quốc hội đã giám sát, nhận diện nhiều trường hợp không hiệu quả, buông lỏng quản lý nhưng việc xử lý để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên của chúng tôi còn rất chậm, trong khi người dân thì thiếu đất sản xuất. Tôi cho rằng đây là những việc phải làm, nếu làm sớm được thì không những tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả mà còn tạo thêm được của cải cho xã hội, tài sản cho nhà nước, cho nhân dân" - ông Ngô Trung Thành - đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu.
"Ông bà ta có câu "Tấc đất tấc vàng" nhiều dự án treo đất bỏ hoang, bỏ không hàng tỷ tấc đất thì chúng ta đã lãng phí bao nhiêu tấc vàng. Trong khi hàng ngàn hecta đất bỏ hoang, bỏ không do chưa triển khai được quy hoạch thì có hàng ngàn, hàng chục ngàn hộ gia đình không có đất để ở. Điều này rất cần các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài dự án" - ông Nguyễn Quốc Hận - đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu.
Cũng tại phiên thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi lãng phí đang hiện hữu trên nhiều khía cạnh như lãng phí thời gian, lãng phí niềm tin của nhân dân, lãng phí tài sản công và lãng phí cơ hội phát triển.
"Lãng phí thời gian là sự mất không khác của xã hội về lãng phí vật chất. Nhà nước đặt ra pháp luật để quản lý xã hội, nếu việc thực thi pháp luật chưa được tối ưu thời gian cho các tổ chức, cá nhân thì đó mới chính là sự lãng phí lớn nhất. Vì vậy để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì mục tiêu cần làm là phải giảm thời gian để tuân thủ các quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân trong chính cơ quan nhà nước cũng như toàn xã hội. Như vậy sẽ có rất nhiều vấn đề được đặt ra để tiết kiệm, chống lãng phí bắt đầu từ việc của công dân như giảm thời gian thực hiện nộp tiền phạt vi phạm, thời gian nộp tiền qua trạm thu phí, thời gian làm thủ tục được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp đến những việc của cơ quan nhà nước" - ông Phạm Văn Thịnh - đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu.
"Theo dõi vụ án Việt Á, cử tri cả nước cùng nhận định rằng rất may Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật đã kịp thời phát hiện và vào cuộc quyết liệt để xử lý hàng loạt cán bộ tha hóa biến chất. Chính sự quyết liệt này đã góp phần củng cố lại được niềm tin của nhân dân, song giá như không để xảy ra những vụ việc đau lòng như thế để không làm lãng phí niềm tin của nhân dân" - ông Trần Quốc Tuấn - đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh phát biểu..
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)
Theo ông Đồng Ngọc Ba - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: "Về lâu dài tôi cho rằng bộ máy nhà nước của chúng ta cần được đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn nữa chứ không chỉ là những sửa đổi mang tính tình thế. Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo việc nghiên cứu cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc hiến định và quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, cần nghiên cứu và xác định rõ trong Đề án về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 hiện đang được triển khai xây dựng".
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng thời nghị Chính phủ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật cụ thể hóa quan điểm của Đảng về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng các chính sách cụ thể. Bên cạnh đó cần tập trung khắc phục các tồn tại, bất cập đã được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các cơ quan thẩm tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!